Trong nước

Cảnh báo thuốc giả Clorocid TW3, Tetracyclin TW3: Nhận biết thuốc giả thế nào?

  • Tác giả : Thu Giang
Để tránh bị rơi vào hiện tượng mua phải thuốc giả, kém chất lượng, các chuyên gia khuyến cáo cần mua ở các nhà thuốc có uy tín, tuyệt đối không mua thuốc trôi nổi, đặc biệt các thuốc được giao bán trên mạng internet.

2 thuốc kháng sinh bị làm giả

Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành công văn về việc sản phẩm trên nhãn ghi viên nén Clorocid TW3, Tetracyclin TW3.

Cụ thể, Cục Quản lý Dược cho biết toàn bộ sản phẩm trên nhãn ghi viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD-25305-16, nhà sản xuất: Công ty CP Dược phẩm Trung ương 3, có ghi ngày sản xuất từ sau ngày 15/9/2019 đến nay, là thuốc giả.

Ngoài ra, các sản phẩm trên nhãn ghi viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg), SĐK: VD-28109-17, có quy cách đóng gói lọ 400 viên, nhà sản xuất: Công ty CP Dược phẩm Trung ương 3, ghi ngày sản xuất từ sau ngày 1/1/2021 đến nay, cũng là thuốc giả.

Động thái này được đưa ra do Cục Quản lý Dược nhận được các văn thư báo cáo về các mẫu thuốc ghi nhãn trên đây có kết quả kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định tính, định lượng và độ hòa tan.

Hơn nữa, Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 3 cũng có văn thư báo cáo từ ngày 16/9/2019 đến nay không sản xuất bất kỳ lô thuốc viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD-25305-16 nào; từ ngày 1/1/2021 đến nay, không sản xuất lô thuốc viên nén Tetracyclin TW3 nào có quy cách đóng gói lọ 400 viên.

Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành thông báo tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng 2 lô thuốc nêu trên.

Cục cũng yêu cầu các đơn vị chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (định kỳ và đột xuất) việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các trường hợp kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu, thuốc mua bán không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.

Chỉ đạo trung tâm kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ vi phạm chất lượng; báo cáo kịp thời các vụ việc phát hiện tới Sở Y tế và cơ quan chức năng liên quan.

Được biết, Clorocid TW3 và viên nén Tetracyclin TW3 đều là thuốc kháng sinh dùng để điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn.

Dấu hiệu nhận biết thuốc giả, thuốc kém chất lượng

Để tránh bị rơi vào hiện tượng mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, các chuyên gia khuyến cáo người có nhu cầu cần mua thuốc ở các nhà thuốc có uy tín, đạt tiêu chuẩn "thực hành tốt nhà thuốc", tuyệt đối không mua thuốc trôi nổi đặc biệt các thuốc được giao bán trên mạng internet.

Thuốc kém chất lượng: Khi mua thuốc cần quan sát kỹ thuốc. Với những thuốc vẫn thường dùng, có thể phát hiện thuốc kém chất lượng qua các dấu hiệu gồm: Xem kỹ bao bì, hạn sử dụng, nhà sản xuất; Kiểm tra mùi, màu, vị của thuốc. Có thể tự kiểm thông tin thuốc qua mã vạch hoặc số lô sản xuất.

Thuốc giả: Cảnh giác với giá thuốc rẻ, bán tại nơi không quen thuộc. Có thể kiểm tra thuốc theo hướng dẫn như sau: Gỡ nhãn trên hộp thuốc, bệnh nhân sẽ thấy một mã xác minh 15 ký tự; Xác minh ký tự thuốc trên web của nhà sản xuất; Sử dụng các công nghệ xác minh tem chống hàng giả. Bên ngoài bao tem chống hàng giả, băng keo niêm phong có bình thường hay đã bị giả mạo bằng cách tháo, lột ra; Thuốc giả thường có mẫu mã in chìm hơn, phông chữ khác thường, kích thước chữ, màu in khác và có thể có lỗi chính tả; Số lô thuốc ở thuốc giả thường bị làm mờ, khó đọc hoặc mập mờ không rõ; Hạn sử dụng ngoài bao bì và trên vỉ thuốc không thống nhất.

Tránh việc dùng thuốc giả bằng cách:

Chỉ mua thuốc tại nhà thuốc, nếu là nhà thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP) càng tốt. Tuyệt đối không mua thuốc trôi nổi, bán kiểu trao tay, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Khi mua thuốc cần quan sát kỹ món thuốc. Nếu là loại thuốc đã quen dùng, cần xem kỹ bao bì, dạng bào chế (dạng viên nén, viên nang…), mùi vị thuốc khi uống.

Nếu có sự nghi ngờ như bao bì đóng gói kém chất lượng, nhãn mác kém thẩm mỹ hơn so với trước đây, viên thuốc có sự khác biệt với thuốc quen dùng, mùi vị thuốc uống không như trước… có nguy cơ rất lớn đó là thuốc giả. Lúc này không nên dùng thuốc mà nên đem món thuốc đến nhà thuốc hỏi xem thực giả như thế nào...

Thu Giang

BẢN DESKTOP