Y học và đời sống

Cảnh báo: Số lượng người trẻ bị suy thận ngày càng gia tăng, cách gì tránh?

  • Tác giả : Thúy Nga
Tình trạng suy thận đang có xu hướng trẻ hóa, trở thành vấn đề y tế đáng báo động. Nhiều người trẻ đã bị suy thận giai đoạn cuối do các thói quen sinh hoạt không lành mạnh và sự chủ quan trong việc kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu điều độ đang là một trong những yếu tố thúc đẩy, gia tăng người mắc bệnh suy thận mạn. Hơn thế, bệnh suy thận mạn đã và đang ngày một trẻ hoá. Điều này gióng lên hồi chuông báo động về gánh nặng bệnh tật và chất lượng nguồn lao động xã hội.

Suy thận mạn ngày một trẻ hoá

Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 160-180 bệnh nhân thận đang điều trị nội trú. Trung bình mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận 30-40 bệnh nhân mới. Đáng chú ý, trong số những bệnh nhân nhập viện ngày càng có nhiều người dưới 30 tuổi, độ tuổi đang là lao động chính trong gia đình.

“Có rất nhiều người trẻ đang điều trị nội trú tại Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, hầu hết những người này phải nhập viện là do viêm cầu thận mạn. Có những thanh niên còn rất trẻ đã bị bệnh thận ở giai đoạn cuối”, TS.BS Nghiêm Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch mai cho biết.

TS.BS Nghiêm Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm

TS.BS Nghiêm Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm

Bệnh nhân M, 30 tuổi ở Bắc Giang tâm sự 5 năm trước khi đang đi làm có biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Khám tại bệnh viện huyện, M được chẩn đoán bị suy thận giai đoạn cuối. “Khi nhận chẩn đoán, tôi rất bất ngờ vì trước đó không có biểu hiện gì, vẫn sinh hoạt và đi làm bình thường. Giờ cuộc sống đảo lộn, muốn làm nhưng sức khoẻ không cho phép, thậm chí sinh hoạt bình thường thôi cũng không được… ”, M chia sẻ.

Cũng giống M, bệnh nhân H. 30 tuổi ở Hà Nội, sau lần đi khám sức khoẻ định kỳ năm 2020 và được bác sĩ cảnh báo tình trạng trong nước tiểu có protein niệu. H được hướng dẫn theo dõi và điều trị bằng thuốc. H có đến Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra lại và bàng hoàng khi được chẩn đoán suy thận mạn.

Năm 2022, khi thấy nước tiểu có nhiều bọt và lâu tan hơn bình thường, H đến bệnh viện khám và được hướng dẫn thực hiện điều trị bảo tồn với chế độ ăn kiêng, cộng với uống thuốc do bác sĩ kê đơn và định kỳ theo dõi hàng tháng.

Mới đây, thấy xuất hiện thêm các triệu chứng như buồn nôn, mất ngủ, thay đổi vị giác, H. đến Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu để khám thì được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối cần phải điều trị thay thế. “Chức năng thận giờ còn dưới 10%, tôi chọn phương pháp thận nhân tạo và đang chờ làm nối thông động tĩnh mạch tự thận (AVF - “cầu tay”) để lọc máu chu kỳ trước, sau đó mới tính tính ghép thận”, H nói.

Theo ThS.BS. Phạm Tiến Dũng, Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Trung tâm thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp như hai bệnh nhân trên. Thậm chí bệnh nhân chỉ mới 15 -16 tuổi khi được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn thì đã ở vào giai đoạn cuối.

“Đa số bệnh nhân đến với chúng tôi trong hoàn cảnh quá muộn, mọi thứ gần như khó có thể đảo ngược. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, chúng ta có thể làm chậm tiến triển của bệnh thận” - theo BS Phạm Tiến Dũng.

Thông tin thêm về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm TS.BS Nghiêm Trung Dũng cho biết: “Khi không phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì chi phí điều trị vừa tốn kém hơn mà thời gian điều trị bảo tồn cũng không được lâu.

Có nhiều bệnh nhân đến Trung tâm Thận Tiết niệu và Lọc máu ở giai đoạn phải lọc máu cấp cứu, lúc đó thận suy rất nặng kèm theo nhiều biến chứng ở các cơ quan như: Tim mạch, Hô hấp …điều đó sẽ hạn chế quyền lựa chọn của người bệnh trong phương pháp điều trị thay thế thận suy”.

“Có những người bệnh, gia đình có điều kiện, bố mẹ hoàn toàn có thể cho thận, nhưng tình trạng suy tim đã quá nặng, bệnh nhân không thể tiến hành ghép thận. Lúc đó buộc phải chấp nhận phương án tối ưu nhất là lọc màng bụng hoặc thận nhân tạo”, TS. BS Nghiêm Trung Dũng chia sẻ.

Nguy cơ từ thói quen sinh hoạt, ăn uống

Bệnh thận thường diễn biến rất âm thầm, giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Ở Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, có nhiều người chỉ phát hiện bệnh sau khi khám sức khỏe tại cơ quan hoặc làm hồ sơ đi du học.

Theo TS.BS Nghiêm Trung Dũng, xu hướng trẻ hóa người bị suy thận liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó ngoài nguyên nhân do viêm cầu thận thì thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ của người trẻ cũng là yếu tố nguy cơ thúc đẩy các bệnh lý chuyển hóa sớm gây ra nhiều bệnh lý trong đó có bệnh thận mạn.

ThS.BS. Phạm Tiến Dũng, Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu thăm khám cho bệnh nhân trẻ suy thận mạn - Ảnh BVCC

ThS.BS. Phạm Tiến Dũng, Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu thăm khám cho bệnh nhân trẻ suy thận mạn - Ảnh BVCC

“Người trẻ bây giờ sử dụng quá nhiều đồ uống không rõ nguồn gốc, ăn nhiều đồ ăn tiện lợi như mì gói với hàm lượng muối cao cộng thêm thói quen sinh hoạt không điều độ, không đúng theo nhịp sinh học. Ngủ quá muộn, lười vận động dẫn đến béo phì. Lạm dụng thuốc không kê đơn

Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) kéo dài mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ...Đây là những yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh thận” - TS.BS Nghiêm Trung Dũng nhấn mạnh.

Không chỉ bệnh thận mà nhiều bệnh khác, cách duy nhất để phát hiện sớm là khám sức khoẻ định kỳ, tuy nhiên nhiều người dân chưa có thói quen này, thậm chí lười và ngại đến các cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe.

Bệnh thận mạn, khi phát hiện giai đoạn sớm đem lại nhiều lợi ích: Giúp kéo dài thời gian điều trị bảo tồn với chi phí điều trị thấp, hiệu quả, thời gian tái khám thưa… Nhưng khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, kéo theo chi phí điều trị lớn, thời gian điều trị bảo tồn rút ngắn lại, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Phát hiện bệnh thận ở giai đoạn cuối chỉ có 3 lựa chọn đó là chạy thận nhân tạo chu kỳ, lọc máu màng bụng và ghép thận. Dù là lựa chọn nào thì gánh nặng của bệnh tật cũng sẽ theo người bệnh và gia đình suốt cuộc đời còn lại.

Lời khuyên từ Bộ Y tế:

Thực hiện lối sống lành mạnh: Ăn uống cân đối, giảm muối, hạn chế đồ ăn nhanh và đồ uống có cồn.Uống đủ nước mỗi ngày và duy trì cân nặng hợp lý.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Theo dõi các chỉ số sức khỏe như huyết áp, đường huyết, chức năng thận.

Hạn chế lạm dụng thuốc: Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc kéo dài.

Tăng cường vận động: Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ bệnh lý.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP