Trong nước

Cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến nở rộ cận Tết Nguyên đán 2024

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng tăng thời điểm Tết Nguyên đán 2024. Không chỉ riêng thủ đoạn lừa đảo "việc nhẹ lương cao", các đối tượng còn tạo ra các "câu chuyện lừa đảo" ngày càng tinh vi.

Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đưa ra các cảnh báo về nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến nở rộ dịp cận Tết Nguyên đán 2024. Dù hình thức lừa đảo không mới nhưng nhiều người vẫn bị mắc lừa, mất từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng.

Cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến nở rộ cận Tết Nguyên đán 2024 ảnh 1

Cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến nở rộ cận Tết Nguyên đán 2024

Theo Cục An toàn thông tin, những chiêu thức lừa đảo trực tuyến thường thấy như:

Thứ nhất, thủ đoạn giả mạo các thương hiệu, doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa ra các chương trình quà tặng, trúng thưởng tết, khuyến mãi tết, vé xe, vé máy bay tết giá rẻ... Đặc biệt là dạng "Hội thi áo dài xuân" đưa ra những giải thưởng, mặt hàng có giá trị hấp dẫn, rẻ hơn so với giá thị trường và tiếp cận nạn nhân thông qua cuộc gọi, tin nhắn hoặc tán phát trên các nền tảng mạng xã hội để dẫn dụ người dân tham gia, mua hàng và chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai, thủ đoạn tuyển dụng việc làm trực tuyến. Lợi dụng nhu cầu kiếm thêm thu nhập dịp tết, các đối tượng lừa đảo qua việc hướng dẫn hỗ trợ mở cửa hàng trực tuyến trên Amazon, Shopee; vào các sàn xem video, tương tác bài viết trên mạng, đánh giá sản phẩm, giựt đơn hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử để được chi hoa hồng..., nhưng sau đó dẫn dụ người dân đầu tư và lừa đảo.

Ngoài ra, còn có hình thức tuyển cộng tác viên làm online "việc nhẹ lương cao" như chạy quảng cáo, thanh toán đơn hàng cho sàn thương mại điện tử để nhận hoa hồng, tuyển lao động đi nước ngoài...

Thứ ba, thủ đoạn lừa đảo đầu tư tài chính. Các đối tượng gọi điện, nhắn tin mời chào dẫn dụ người dân nạp tiền đầu tư vào các website, ứng dụng do đối tượng tự tạo lập với danh nghĩa đầu tư chứng khoán online, dự đoán tăng giảm giá vàng, dầu hay giao dịch tiền ảo.

Thứ tư, thủ đoạn mua hàng với số lượng lớn (mua hàng tết) và đề nghị thanh toán bằng chuyển khoản qua internet banking. Nhưng thực chất, các đối tượng không chuyển tiền thật, mà sử dụng một số phần mềm tạo dựng biên lai thanh toán giả chuyển tiền và đưa cho người bán xem, nhằm chứng minh để người bán tin mà giao hàng.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân cần nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã OTP, thông tin CCCD, tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không có trách nhiệm, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ số điện thoại lạ gọi đến.

Không thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên mạng xã hội nếu chưa xác minh được chính xác người nhận tiền là ai. Nếu đã bị lừa thì lập tức báo ngay cho cơ quan công an gần nhất; tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào mạo danh có thể lấy lại tiền giúp nạn nhân mà phải chuyển phí trước.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP