Biến chứng viêm phổi do sởi
Trường hợp nhập viện mới đây nhất là bé T. (7 tuổi, Hà Nội). Mẹ bệnh nhi T cho biết: “Con tôi cách đây 6 hôm bị sốt liên tục, nhiệt độ cơ thể 39 - 40 độ C. Đồng thời, trẻ hắt hơi, sổ mũi, ho húng hắng, mệt mỏi, mắt tèm nhèm nhiều dử. Một ngày sau, trẻ xuất hiện ban hồng, nhẵn theo thứ tự: vùng sau tai, lan dần lên hai bên má, cổ, gáy, xuống ngực, bụng, lưng và các chi. Gia đình lo lắng cho con nên đưa con vào khám Bệnh viện TWQĐ 108 trong tình trạng mệt mỏi, ho nhiều, sốt cao, phát ban như trên.
Sau khi tiến hành khám và xét nghiệm, Ths.BS Nguyễn Văn Tùng, Khoa Nhi, Bệnh viện TƯQĐ 108 đã chẩn đoán bé T. bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi và được nhập viện điều trị.
Hiện tại bé T. đã cắt sốt, các ban sởi bay dần lần lượt như khi mọc và để lại vết thâm trên da xen kẽ vùng da lành.
Những điều cần chú ý về bệnh sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh có khả năng lây lan mạnh từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng như: viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, mù mắt do loét giác mạc, suy dinh dưỡng nặng…
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tùng, bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, là đối tượng có miễn dịch kém, đặc biệt những trẻ không được tiêm phòng vắc xin phòng sởi hoặc những trẻ được sinh ra ở những bà mẹ chưa có miễn dịch với sởi trước đó.
Các dấu hiệu điển hình của giai đoạn toàn phát bao gồm: nổi hồng ban, mịn như nhung; ban xuất hiện theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay chân; ban biến mất theo thứ tự đã mọc.
ThS.BS Nguyễn Văn Tùng cho biết, sởi là bệnh lành tính, đa số các trường hợp không có biến chứng và bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh có thể có diễn biến nặng khi có các biến chứng nguy hiểm. Đây là một trong những căn nguyên gây tỷ lệ tử vong cao ở các nước đang phát triển. Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi có nguy cơ sảy thai, đẻ non.
Chẩn đoán và điều trị
Dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm đặc hiệu. Khi trẻ có các biểu hiện sốt cao, viêm long đường hô hấp, hắt hơi, sổ mũi, viêm kết mạc mắt, hồng ban…nên cho trẻ đến cở sở y tế để khám, chẩn đoán. Đặc biệt trẻ sống trong vùng có dịch sởi.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với sởi, chủ yếu là điều trị triệu chứng và các biến chứng do sởi. Khi bị sởi, cần chú ý tăng cường dinh dưỡng để phòng suy dinh dưỡng và dùng thêm vitamin A để tránh loét giác mạc, mù mắt; vệ sinh răng miệng, da, mắt.
Những biện pháp phòng bệnh
Để phòng bệnh sởi, các bác sĩ khuyến cáo, cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vắc-xin sởi, nhất là với trẻ em, phụ nữ chuẩn bị mang thai. Với những bệnh nhân đã mắc bệnh cần cách ly để bệnh không lây lan ra cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
1. Tiêm vắc-xin sởi
- Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng sởi an toàn và hiệu quả nhất.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng.
- Tiêm phòng muộn không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch.
- Trường hợp đã tiếp xúc với nguồn lây có thể dùng globulin miễn dịch có thể phòng ngừa hoặc làm giảm mức độ nặng của bệnh.
2. Vệ sinh cá nhân và môi trường:
- Khi phát hiện trẻ mắc bệnh cần cách ly trẻ bệnh với trẻ lành.
- Đảm bảo tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn.
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hay nghi ngờ bệnh sởi.
- Tránh tối đa việc dụi mắt,mũi.
- Vệ sinh đường mũi, mắt hàng ngày.
- Lau nhà, bàn, ghế, cầu thang đồ chơi nơi khu vực vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.