Đau đầu, mất thị lực do đột quỵ tuyến yên
Đột quỵ tuyến yên được mô tả lần đầu vào năm 1897, xảy ra ở khoảng 1,5-27,7% trong các trường hợp u tuyến yên và ước tính khoảng 0,2% mỗi năm.
Khác với đột quỵ não là một khái niệm rất quen thuộc, đột quỵ tuyến yên chưa được nhiều người nhận biết. Những khối u tuyến yên có kích thước >10mm và khối u phát triển nhanh thì có nguy cơ đột quỵ tuyến yên cao hơn. Việc phát hiện sớm, đánh giá đúng và điều trị kịp thời sẽ cải thiện được tình trạng bệnh.
Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phẫu thuật thành công cho người bệnh nam (65 tuổi) bị đột quỵ tuyến yên. Người bệnh là thương binh ¼ cụt 2 chân, nhập viện trong tình trạng đau đầu, sụp mi mắt phải và mất thị lực mắt phải, nhìn mờ mắt trái. Người bệnh đã được chẩn đoán u tuyến yên từ năm 2021 có chỉ định phẫu thuật nhưng người bệnh và gia đình chưa đồng ý, chỉ theo dõi nội khoa.
Trước vào viện 3 ngày, người bệnh xuất hiện đau đầu, không buồn nôn, không nôn, mắt phải sụp mi và mất thị lực, người bệnh đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã được chụp CT scan sọ não (người bệnh không chụp MRI vì có mảnh kim loại trong người) thấy khối kích thước 20x30 mm, có xâm lấn gây huỷ xương vùng hố yên; khảo sát hormone: Cortisol thấp, FT4 thấp, Natri máu thấp.
Các chuyên khoa trong Bệnh viện gồm: Nội tiết, phẫu thuật thần kinh, mắt, chẩn đoán hình ảnh và một số khoa liên quan tham gia phẫu thuật đã tổ chức hổi chẩn khẩn cấp. Sau hội chẩn, người bệnh được chẩn đoán đột quỵ tuyến yên và chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Cuộc phẫu thuật nội soi lấy u diễn ra trong 2 giờ đồng hồ, hình ảnh trong phẫu thuật là hình ảnh xuất huyết trong U. Sau phẫu thuật người bệnh tiếp tục được bổ sung hormone: Hydrocortisone và Levothyrox, thị lực mắt trái hồi phục hoàn toàn, bệnh nhân đã xuất viện về nhà.
Đây là một ca bệnh hiếm gặp tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhờ được trang bị đầy đủ trang thiết bị máy móc và đội ngũ thầy thuốc nhiều chuyên khoa liên quan đã phát hiện và xử trí kịp thời, may mắn cứu sống tính mạng cũng như “ánh sáng” cuộc đời của người thương binh.
Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Ảnh BVCC |
Tại sao xảy ra đột quỵ tuyến yên?
Khối u phát triển lớn chèn ép vào động mạch tuyến yên và các nhánh của nó dẫn đến thiếu máu cục bộ của thuỳ trước tuyến yên và khối u.
Một giả thuyết khác cho rằng mạng lưới mạch máu tuyến yên mảnh bị đè nén bởi khối u gây thiếu máu cục bộ, hoại tử và xuất huyết.
Ngoài ra cũng lý thuyết cho rằng sự phát triển nhanh chóng của khối u vượt xa nguồn cung cấp mạch máu của nó, dẫn đến thiếu máu cục bộ và hoại tử.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ tuyến yên
- Đau đầu cấp tính nặng là biểu hiện thường gặp nhất, đau đầu có thể kèm buồn nôn và nôn. Cần loại trừ xuất huyết dưới nhện.
- Giảm thị lực đột ngột và mất thị trường, phổ biến nhất là bán manh vùng thái dương, là do chèn ép giao thoa thị giác.
- Liệt dây thần kinh số 3: nhìn đôi, sụp mi, liệt liếc trong, lên và xuống và đặc biệt có thể giãn đồng tử, phản xạ ánh sáng yếu.
Ngoài ra, còn có các triệu chứng: sốt, sợ ánh sáng, cứng gáy, giảm ý thức.
Các yếu tố thúc đẩy đột quỵ tuyến yên bao gồm: Tăng huyết áp, phẫu thuật lớn, đặc biệt là ghép bắc cầu động mạch vành, điều trị chống đông máu, rối loạn đông máu, mang thai và chấn thương đầu.
Cách xử trí khi gặp người bệnh đột quỵ tuyến yên
Khi nhận thấy có các dấu hiệu cảnh báo, nhân viên y tế nhanh chóng thực hiện các biện pháp:
- Xét nghiệm khẩn cấp chức năng gan, thận, điện giải, công thức máu, chức năng đông máu.
- Đánh giá hormone: Cortisol, ACTH, FT4, TSH, Prolactin, LH, FSH, Testosterone (nam giới), estradiol (nữ giới).
- Đánh giá tại giường về thị lực.
- Đánh giá sâu hơn về thần kinh nhãn khoa khi người bệnh ổn định về mặt lâm sàng.
- CT scan sọ não để loại trừ xuất huyết dưới nhện và viêm màng não.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến yên là xét nghiệm được lựa chọn và đã được chứng minh chẩn đoán xác định ở hơn 90% bệnh nhân. Trong trường hợp không thể chụp được cộng hưởng từ hoặc có chống chỉ định thì CT scan được đặt ra.
- Chuyển khẩn cấp đến đơn vị phẫu thuật thần kinh- nội tiết để xử trí.
TS.BSCKI Nguyễn Thị Thuý (Phó Chủ nhiệm Khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)