Thời sự

Cảnh báo buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

  • Tác giả : An Quý
Buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không giảm, đặc biệt là trong thời điểm cuối năm. Trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước ngại đụng đầu

Qua kiểm tra thực tế, Đội 4 (Cục Điều tra chống buôn lậu) phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 bắt giữ một lô hàng hóa giả mạo là dép LV, Gucci, Nike, túi xách LV, Gucci, Chanel… trị giá 650 triệu đồng.

hnag-gia.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng nước hoa. Ảnh minh họa

Lô hàng nói trên thuộc loại hình vận chuyển độc lập của Cty CP Tân Cảng - Tây Ninh.

Cục Điều tra Chống buôn lậu đã tham mưu Tổng cục Hải quan xử phạt vi phạm hành chính vì “hành vi vận chuyển quá cảnh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” với số tiền 140 triệu đồng; buộc tiêu huỷ toàn bộ hàng hoá vi phạm.

Một vụ kiểm tra thực tế lô hàng thuốc lá mang nhãn hiệu ASTRO có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang gửi kho ngoại quan. Trị giá lô hàng hơn 6 tỷ đồng. Sau khi kiểm tra, Đội 4 đã xử phạt 15 triệu đồng và buộc đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Trong buổi tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng”, theo ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không giảm.

Đặc biệt, thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán cận kề, cùng với nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, dự báo tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn.

Đặc biệt, các loại hàng hoá ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng, liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 như: găng tay y tế, khẩu trang, vật tư y tế, hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, tân dược, Đông dược…

Hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng tập trung ở quần áo, giày dép, túi ví, valy, đồng hồ đeo tay; các mặt hàng bách hóa, điện, điện tử đồ gia dụng, máy móc thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Thời gian gần đây, hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội cũng tiềm ẩn nguy cơ trở thành kênh buôn bán hàng lậu, hàng giả, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và thất thu thuế của Nhà nước.

Thực tế thời gian qua, khi kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, cơ quan Hải quan phát hiện trên bao bì nhãn mác hàng hóa thể hiện “Made in China to Vietnam”…. Tuy nhiên hành vi này của doanh nghiệp chưa được quy định tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nên cơ quan Hải quan không thể xử phạt được vi phạm.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Hùng Anh cho biết một số thủ đoạn vi phạm liên quan đến hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như khai sai, không khai báo trên tờ khai nhãn hiệu của hàng hoá nhập khẩu; nhập lậu qua các đường mòn, lối mở; trà trộn hàng hoá vi phạm và hàng hoá không vi phạm với nhau, khai báo trị giá thấp để trốn thuế.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao, bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ những thông tin về những thiệt hại mà các doanh nghiệp làm ăn chân chính đã phải gánh chịu trong vấn nạn này.

Tuy nhiên, thời gian qua có tình trạng một số doanh nghiệp khi phát hiện sản phẩm hàng hóa của mình bị làm giả, làm nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, nhưng doanh nghiệp lại “ngại” không tố giác, hoặc thờ ơ hợp tác với các cơ quan chức năng trong đấu tranh ngăn chặn, do lo ngại nếu “làm to chuyện”, người tiêu dùng nghi ngờ hoặc quay lưng với hàng hóa của doanh nghiệp mình.

An Quý

BẢN DESKTOP