Dữ liệu y khoa

Cảnh báo bệnh nhi sốt xuất huyết nặng trên nền bệnh mạn tính

  • Tác giả : An Quý
(khoahocdoisong.vn) - TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM khuyến cáo, số ca sốt xuất huyết bắt đầu tăng lên so với những tháng chưa vào mùa mưa, trong đó đã có những bệnh nhi nặng, vào sốc, xuất huyết nặng hoặc suy các cơ quan.

Theo báo cáo, trong 8 tháng 2020, TPHCM ghi nhận hơn 9.900 ca sốt xuất huyết là . Riêng từ ngày 16/7/2020 đến ngày 15/8/2020, tổng số ca sốt xuất huyết ngoại trú và nội trú là 2.125 ca, tăng 88% so với tháng trước đó. Đặc biệt, trong tháng thành phố đã ghi nhận ca đầu tiên ở quận 7 tử vong vì sốt xuất huyết.

Những bệnh nhi sốt xuất huyết vào viện với tình trạng nặng, phần lớn là do người nhà đưa vào viện chậm. Trong khi đó, một số bệnh nhi có cơ địa bệnh lý nền đi kèm như bệnh tim mạch, gan, phổi hay thận; thậm chí có trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi bị tình trạng dư cân béo phì.

Một ca sốt xuất huyết đang điều trị tại khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

Một ca sốt xuất huyết đang điều trị tại khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp, nên có thể, người dân chú ý nhiều hơn đến việc phòng dịch Covid-19, đôi khi lại lơ là phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đang vào mùa như sốt xuất huyết.

Đặc biệt, khi người nhà, đặc biệt là trẻ nhỏ sốt, người dân e ngại đến bệnh viện khám, nên có thể đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường hợp sốt xuất huyết vào bệnh viện trễ khi bệnh đã trở nặng. Đối với bệnh sốt xuất huyết, vào ngày thứ 3, thứ 4, thứ 5 hay thứ 6 của bệnh đều có thể khiến bệnh nhân vào sốc. Chúng ta phải chú ý trẻ hay bất cứ ai trong nhà đột ngột sốt cao khoảng 2 ngày, kèm theo mệt mỏi, lừ đừ, cần  đưa vào cơ sở y tế gần nhất để có những hướng dẫn xử trí kịp thời.

Theo TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, bệnh nhân sau khi được chẩn đoán sốt xuất huyết, nếu tình trạng nhẹ, không cần thiết phải nhập viện ngay, các phụ huynh vẫn được khuyến khích theo dõi trẻ tại nhà, tái khám để được xét nghiệm máu mỗi ngày.

Tuy nhiên, khi theo dõi sức khỏe của trẻ tại nhà, nếu phụ huynh thấy trẻ hết sốt nhưng lại mệt mỏi nhiều hơn hoặc buồn nôn, ói mửa, đau bụng, bứt rứt, vật vã kèm xuất huyết ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể (chảy máu mũi, chảy máu răng, chấm xuất huyết ở da, ói ra máu...) phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để tránh các biến chứng nặng. Vào mùa dịch bệnh, quy tắc ngừa bệnh chung là “giữ vệ sinh chung, ăn chín uống sôi, ngủ màn kể cả buổi trưa.”

Uống nhiều nước để bù dịch khi có dấu hiệu sốt cao. Trong chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết, cho người bệnh ăn thức ăn mềm, lỏng dễ tiêu: cháo, súp; tránh các thức ăn có chứa màu đen, nâu, đỏ vì khó theo dõi phân biệt dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa.

An Quý

BẢN DESKTOP