Dữ liệu y khoa

Cẩn trọng viêm gan do “virus lạ” tấn công trẻ

  • Tác giả : Thúy Nga
Viêm gan do virus bí ẩn đã xuất hiện tại Đông Nam Á khiến 3 trẻ Indonesia tử vong, nâng tổng số ca tử vong trên toàn cầu lên ít nhất 4 trường hợp. Việt Nam chưa ghi nhận viêm gan do virus bí ẩn nhưng nhiều trẻ cũng nguy kịch vì các loại viêm gan khác.

Virus đột biến gây viêm gan bí ẩn?

Bộ Y tế Indonesia vừa thông tin 3 bệnh nhi ở nước này đã tử vong vì viêm gan cấp tính vào tháng 4, nâng số ca tử vong trên toàn cầu do viêm gan bí ẩn lên ít nhất 4 trường hợp. Những đứa trẻ nhập viện ở thủ đô Jakarta với các triệu chứng bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy nặng, sốt, vàng da, co giật và mất ý thức.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ ngày 1/10/2021, 9 trường hợp trẻ em viêm gan bí ẩn được báo cáo đến nay đã lan ra ít nhất 11 quốc gia.

viem-gan-cap.jpg
Cẩn trọng viêm gan do “virus lạ” tấn công trẻ.

Những phân tích trong phòng thí nghiệm đã loại trừ khả năng các bệnh nhi nêu trên nhiễm các loại virus viêm gan A, B, C và E, thậm chí virus viêm gan D ở một số trường hợp, song phát hiện các em nhiễm một trong hai loại virus SARS-CoV-2 và adenovirus, trong đó có nhiều em nhiễm đồng thời cả hai loại virus này. Bước đầu các nhà khoa học xác định là do adenovirus 41.

TS Greg DeMuri, Giáo sư tại Đại học Y khoa và Y tế Công cộng thuộc Đại học Wisconsin (Mỹ) cho biết, adenovirus thường gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa và đã được biết là gây ra bệnh viêm gan trong quá khứ. Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu xem đây có phải là một loại virus đột biến, một biến thể dễ lây nhiễm hơn và có nhiều khả năng gây nhiễm trùng ở gan hơn hay đây chỉ là một sự xuất hiện ngẫu nhiên.

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, bệnh viện đã ghi nhận một số trường hợp có tổn thương gan song nằm trong nhóm liên quan đến trẻ mắc Hội chứng viêm đa hệ thống (hội chứng MIS-C) sau mắc Covid-19, chưa ghi nhận các trường hợp có tổn thương gan riêng lẻ hay tổn thương gan liên quan đến virus adenovirus.

ghep-gan-v-nhi.jpg
Ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi T.Ư.

ThS.BS Lê Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo WHO, trong những tuần gần đây, khoảng 190 trẻ tại 11 quốc gia, trong độ tuổi từ 1 - 6, có tiền sử khỏe mạnh, đã mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân. Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Mỹ) cho rằng, adenovirus 41 có thể là nguyên nhân gây ra các ca bệnh đã được báo cáo.

Adenovirus 41 được biết đến là loại virus gây bệnh viêm dạ dày ruột thường gặp ở trẻ em, song ít được cho là nguyên nhân gây bệnh viêm gan ở trẻ khỏe mạnh. Các căn nguyên gây viêm gan tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai thời gian gần đây vẫn nằm trong các căn nguyên chung gây viêm gan ở trẻ em, chưa thấy các nguyên nhân nghi ngờ bất thường khác.

Căn nguyên gây viêm gan ở trẻ em thay đổi theo lứa tuổi mắc bệnh, tuy nhiên, 60% do virus, rối loạn chuyển hóa khoảng 7%, ngộ độc khoảng 3% và 30% chưa rõ nguyên nhân.

Viêm gan sau mắc Covid-19 và nhiều loại viêm gan nguy hiểm

ThS.BS Lê Thị Lan Anh cho biết, viêm gan là tình trạng viêm tại gan, có thể gây hủy hoại tế bào gan. Các căn nguyên gây viêm gan ở trẻ chia làm hai nhóm: Nhiễm trùng và không nhiễm trùng. Trong đó, nhóm nhiễm trùng gồm: Virus (virus viêm gan A, B, C, D, E và các virus khác CMV, EBV, HSV, Dengue xuất huyết và SARS -CoV- 2 (Covid 19)...; Vi khuẩn: Leptospira, Lao, giang mai...; Ký sinh trùng: Sán lá gan, nấm, ký sinh trùng sốt rét...

Nhóm không nhiễm trùng gồm: Ngộ độc (ví dụ như Paracetamol); Rối loạn chuyển hóa đồng, citrin, gan nhiễm mỡ...; Viêm gan tự miễn...

ghep-gan-5-tuoi.jpg
Chăm sóc trẻ sau ghép gan.

ThS.BS Lê Thị Lan Anh cảnh báo, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cũng như các cơ sở y tế nói chung trong thời gian gần đây tiếp nhận nhiều ca bệnh được chẩn đoán MIS-C (Hội chứng viêm đa hệ thống liên quan tới nhiễm SARS-Cov-2).

Bệnh thường xảy ra sau mắc Covid 19 khoảng 2 - 6 tuần với các biểu hiện thường gặp như sốt cao liên tục, rối loạn tiêu hóa, phát ban ngoài da, môi lưỡi đỏ... Bệnh thường gây tổn thương đa cơ quan như tim, mạch máu và các cơ quan khác trong đó có cả tổn thương viêm gan cấp.

Bệnh có nhiều mức độ; có thể chỉ là các biển hiện sốt, rối loạn tiêu hóa, ban trên da cho tới mức độ nặng, sốc, suy đa cơ quan. Tuy bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn tới suy đa cơ quan nhưng hầu hết bệnh cũng hồi phục nhanh khi được điều trị thích hợp. Một số ít (1 - 1,5%) có thể tiến triển nặng và tử vong.

Các ca MIS-C chẩn đoán tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai thể lâm sàng diễn biến từ nhẹ đến nặng tuy nhiên hầu hết được chẩn đoán sớm nên được điều trị thích hợp ngay từ đầu chưa có biến chứng nặng, tử vong.

noi-soi-ghep-gan.jpg
Ca nội soi ghép gan.

Viêm gan do ngộ độc Paracetamol ở trẻ em xảy ra khi trẻ dùng quá liều Paracetamol (thường >= 120 - 150mg/kg/24h). Ngộ độc Paracetamol có thể dẫn tới suy gan, suy thận... diễn biến nặng nề nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể tử vong.

Hiện tại có nhiều chế phẩm thuốc, nhiều dạng đường dùng khác nhau có chứa Paracetamol, thuốc dễ mua không cần đơn bác sĩ. Do vậy, xu hướng suy gan do ngộ độc Paracetamol tăng lên trong các đợt dịch trẻ sốt nhiều như Covid-19 và Dengue xuất huyết.

Các chuyên gia cảnh báo, viêm cấp nếu không được chữa kịp thời rất dễ gây tử vong do suy gan cấp, ung thư gan và tử vong. Điều trị suy gan cấp ở trẻ em là tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, khoảng 40% trẻ em bị suy gan cấp tính cần đến ghép gan để sống sót...

Vì vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý đến trẻ, khi thấy trẻ có các dấu hiệu của viêm gan cấp như mệt mỏi, kém ăn, vàng da, nước tiểu sẫm màu, rối loạn đông máu, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy nặng, sốt, co giật và mất ý thức... thì cần đưa trẻ đi khám sớm để phát hiện và chữa trị kịp thời.

Cách phòng tránh viêm gan ở trẻ

- Tiêm phòng đầy đủ: Cho trẻ tiêm văcxin phòng viêm gan B ngay khi trẻ lọt lòng mẹ. Lưu ý với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm virus viêm gan B thì cần được tiêm thuốc dự phòng ngay khi mới sinh theo chỉ định của thầy thuốc.

- Dùng đơn theo hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều, đúng thời điểm, không nên tự ý phối hợp các loại hạ sốt. Nếu nghi ngờ trẻ dùng thuốc hạ sốt quá liều cần đến ngay cơ sở y tế.

- Ăn đủ chất dinh dưỡng: Cần cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, đủ các nhóm thực phẩm như đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất cần thiết.

- Vệ sinh sạch sẽ: Môi trường sống của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ, tránh xa nguồn bệnh. Thường xuyên cho trẻ vận động ngoài trời để thích nghi với thời tiết và tăng khả năng phòng bệnh.

- Khám ngay khi trẻ có những dấu hiệu của bệnh.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP