Dữ liệu y khoa

Cẩn trọng nhiều bệnh lý phát sinh khi thiếu hụt vitamin D

  • Tác giả : Nhật Hà
Thiếu hụt vitamin D là một yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, huyết áp cao... Tỷ lệ thiếu hụt vitamin D ở nước ta từ 20 - 50%, nên rất cần thiết phải định lượng để bổ sung.

Tình trạng thiếu vitamin D diễn ra rất phổ biến

TS.BS Trần Quốc Cường, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết, vitamin có vai trò quan trọng trong phát triển của cơ thể.

Ngoài việc tăng cường hấp thu canxi và tăng cường mật độ xương, giúp phát triển chiều cao ở trẻ em, phòng ngừa còi xương ở trẻ nhỏ và nhuyễn xương và loãng xương ở người trưởng thành và người cao tuổi, vitamin D cũng góp phần chống các bệnh mạn tính không lây như góp phần ngăn ngừa một số loại ung thư, bệnh tim mạch, đột quỵ, tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường, sa sút trí tuệ, bệnh tự miễn…

Trong đại dịch Covid-19, vitamin được nghiên cứu và xác định có vai trò trong việc ngăn ngừa phản ứng viêm và ngăn ngừa tăng cytokine ở người mắc Covid-19.

Tuy nhiên, nhiều người chưa quan tâm tới vitamin D và tình trạng thiếu vitamin D diễn ra rất phổ biến. Một nghiên cứu gộp trên 23 nghiên cứu khác nhau liên quan hơn 11 ngàn người bệnh mắc Covid-19 trên thế giới cho thấy, 42% người bệnh thiếu vitamin D mức độ trung bình (vitamin D insufficiency) và 41% người bệnh thiếu vitamin D mức độ nặng (vitamin D deficiency).

Nồng độ vitamin D trung bình của người bệnh Covid-19 là 20.3ng/ml trong khi nồng độ bình thường của vitamin D phải trên 30ng/ml. Vitamin D có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh Covid-19 và giảm nguy cơ chuyển nặng khi đã mắc Covid-19. Người thiếu vitamin D gia tăng nguy cơ mắc Covid-19 lên 3,3 lần người bình thường và người thiếu vitamin D khi đã mắc Covid-19 thì có nguy cơ chuyển nặng gấp 5 lần người bình thường.

Tình trạng thiếu vitamin D không phải là vấn đề mới và không phải hiếm ở Việt Nam. Thiếu vitamin D ở nước ta theo các nghiên cứu trước đây chiếm tỷ lệ từ 20 - 50% tùy theo nhóm tuổi, trong đó đặc biệt là trẻ nhỏ, trẻ béo phì, người ít tiếp xúc ánh nắng mặt trời, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người mắc bệnh đái tháo đường và các bệnh nền khác.

Các chuyên gia tim mạch cho biết, vitamin D đứng đầu trong danh sách những loại vitamin tốt cho tim mạch. Sự thiếu hụt vitamin D là một yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, huyết áp cao... Khi cơ thể được bổ sung đầy đủ vitamin D, nguy cơ gây ra các bệnh lý tim mạch này cũng giảm đi.

Đừng để cơ thể thiếu vitamin D

Theo TS.BS Phạm Như Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới và tại nước ta. Những bằng chứng gần đây đã cho thấy thiếu hụt vitamin D gia tăng tử vong và các bệnh lý tim mạch.

Các thụ thể vitamin D có nhiều ở các tế bào và mô khác nhau của cơ thể. Vitamin D cũng ảnh hưởng lên nhiều các chức năng sinh lý khác nhau. Hàm lượng vitamin D thấp thường đi kèm với nguy cơ tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành và tai biến mạch não.

Dù đến nay, chúng ta vẫn không rõ mối quan hệ nhân quả của cơ chế bảo vệ của vitamin D lên hệ thống tim mạch nhưng một số cơ chế có thể được cho là nguyên nhân như ảnh hưởng lên yếu tố chống viêm, cải thiện hấp thụ đường, ức chế lắng đọng cơ trơn. Tất cả các yếu tố này được biết là lý do giảm tiến triển bệnh lý tim mạch và đái tháo đường...

Vitamin D là nhóm vitamin tan trong chất béo, cần thiết cho quá trình hoạt động và phát triển của tổ chức. Thiếu hụt vitamin D lâu dài sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển, sức khoẻ của con người. Vitamin D chuyển hoá tại gan thành 25-hydroxyvitamin D, do đó, xét nghiệm định lượng 25-hydroxyvitamin D là cách tốt nhất để theo dõi nồng độ vitamin D trong cơ thể.

Những bệnh lý có nguy cơ cao mà ta thường phải định lượng vitamin D là bệnh lý nhiễm trùng đường ruột, bệnh celiac (bệnh tiêu hóa gây tổn thương ruột non do tình trạng nhạy cảm với gluten và gây cản trở sự hấp thu các chất dinh dưỡng); làm cầu nối dạ dày, lớn tuổi, béo phì, suy gan và suy thận nặng.

Những bệnh nhân loãng xương hoặc rối loạn chuyển hóa xương và những người dùng thuốc (như các thuốc corticoid, chống động kinh, thuốc chống virus) có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa vitamin D.

Với mức tiêu thụ khoảng 200IU vitamin D mỗi ngày, bạn đã có thể dễ dàng tránh được căn bệnh còi xương. Nhưng nếu muốn phòng ngừa các bệnh lý về tim mạch thì các bác sĩ đề nghị có thể cần đến 2.000IU hằng ngày.

Bổ sung vitamin D đầy đủ vừa giúp phòng tránh các bệnh lý ở xương và răng do thiếu hụt vitamin D, mà còn có công dụng giúp phòng ngừa các bệnh lý tim mạch (suy tim, nhồi máu cơ tim, huyết áp cao…). Loại vitamin này có nhiều trong những thực phẩm như cá, đậu phụ, sữa tươi nguyên kem, sữa đậu nành…

Nhật Hà

BẢN DESKTOP