Nóng trên mạng

Cẩn trọng 5 lỗ hổng bảo mật trong sản phẩm Microsoft đang bị hacker khai thác

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Các lỗ hổng bảo mật có thể bị đối tượng tấn công khai thác để thực hiện hành vi trái phép, gây mất an toàn thông tin và ảnh hưởng tới hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức.

Mới đây, Microsoft đã phát hành danh sách bản vá tháng 9 với 79 lỗ hổng an toàn thông tin trong các sản phẩm của mình.

Từ thông tin ghi nhận được về các lỗ hổng bảo mật trong sản phẩm của hãng Microsoft, qua phân tích, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã điểm ra 13 lỗ hổng bảo mật ảnh hưởng mức cao và nghiêm trọng mà các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc cần đặc biệt lưu ý.

5 lỗ hổng bảo mật trong sản phẩm Microsoft đang bị hacker khai thác. Ảnh minh họa

5 lỗ hổng bảo mật trong sản phẩm Microsoft đang bị hacker khai thác. Ảnh minh họa

Cụ thể, có 8 lỗ hổng bảo mật cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa, gồm: CVE-2024-43491 trong Microsoft Windows Update; 4 lỗ hổng CVE-2024-38018, CVE-2024-38227, CVE-2024-38228, CVE-2024-43464 trong Microsoft SharePoint Server; 2 lỗ hổng CVE-2024-21416 và CVE-2024-38045 trong Windows TCP/IP; và CVE-2024-43463 trong Microsoft Office Visio.

CVE-2024-43491, CVE-2024-38018, CVE-2024-38227, CVE-2024-38228, CVE-2024-43464 là những lỗ hổng có mức nghiêm trọng. Trong số đó, CVE-2024-4349 sẽ ảnh hưởng đến Windows 10; còn các lỗ hổng CVE-2024-38018, CVE-2024-38227, CVE-2024-38228, CVE-2024-43464 ảnh hưởng tới Microsoft SharePoint Server 2019, Microsoft SharePoint Enterprise Server 2016, Microsoft SharePoint Server Subscription Edition.

Đặc biệt, các đơn vị, doanh nghiệp cũng cần đặc biệt chú ý 5 lỗ hổng bảo mật ảnh hưởng mức cao và nghiêm trọng khác trong sản phẩm Microsoft, đó là CVE-2024-43461 trong Windows MSHTML Platform cho phép đối tượng tấn công thực hiện tấn công giả mạo; CVE-2024-38014 trong Windows Installer cho phép đối tượng tấn công thực hiện leo thang đặc quyền; 2 lỗ hổng CVE-2024-38217, CVE-2024-43487 trong Windows Mark of the Web và CVE-2024-38226 trong Microsoft Publisher đều cho phép đối tượng tấn công có thể vượt qua cơ chế bảo vệ.

Với lỗ hổng CVE-2024-43461, các sản phẩm Windows 10, Windows 11, Windows Server 2008, 2012, 2016, 2019, 2022 sẽ bị ảnh hưởng. Còn 2 lỗ hổng CVE-2024-38217, CVE-2024-43487, các sản phẩm Windows 10, Windows 11, Windows Server 2008, 2012, 2016, 2019, 2022 sẽ bị ảnh hưởng.

Đáng chú ý, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia chỉ ra có 5 lỗ hổng hiện đang bị khai thác trong thực tế đó là CVE-2024-43491 trong Microsoft Windows Update; CVE-2024-38014 trong Windows Installer; CVE-2024-43463 trong Microsoft Office Visio; CVE-2024-38226 trong Microsoft Publisher; và 2 lỗ hổng CVE-2024-38217, CVE-2024-43487 trong Windows Mark of the Web.

Để đảm bảo an toàn, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp trên toàn quốc nghiên cứu thông tin về các lỗ hổng bảo mật được khuyến nghị, rà soát và xử lý các vấn đề về an toàn thông tin mạng trong hệ thống.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng và các tổ chức lớn về an toàn thông tin để phát hiện kịp thời các nguy cơ tấn công mạng.

Các đơn vị, doanh nghiệp cần kiểm tra, rà soát, xác định máy tính sử dụng hệ điều hành Windows có khả năng bị ảnh hưởng. Biện pháp tốt nhất để khắc phục là cập nhật bản vá cho các lỗ hổng an toàn thông tin theo hướng dẫn của hãng.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP