Y học và đời sống

Can thiệp tim mạch bằng kỹ thuật hybrid giảm tai biến

Thay vì phải phẫu thuật truyền thống với nhiều tai biến hơn, hiện nay can thiệp tim mạch bằng kỹ thuật hybrid giảm tai biến. Phương pháp can thiệp tim mạch bằng kỹ thuật hybrid của

Các bác sĩ Bệnh viện TƯQĐ 108 đang thực hiện kỹ thuật cho bệnh nhân.

Áp dụng được cho nhiều bệnh lý tim mạch

BS Ngô Tuấn Anh, Phó chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, kỹ thuật hybrid trong mổ tim mạch, hay còn gọi kỹ thuật lai, chính là sự kết hợp giữa phương pháp phẫu thuật và can thiệp.

Hiện nay, kỹ thuật này đã được áp dụng tại một số nước trên thế giới. Nhưng ở nước ta là khá mới và chỉ được áp dụng tại một số bệnh viện, trung tâm tim mạch lớn do nhiều yếu tố.

Trong đó đòi hỏi yếu tố trang thiết bị phải đặc biệt, tốn kém. Còn kỹ thuật khó, phức tạp nên đội ngũ kỹ thuật viên cũng phải được đào tạo chuyên sâu.

Nói về kỹ thuật này, vị chuyên gia chỉ ra, nếu như trước đây muốn mổ tim phải phẫu thuật hoàn toàn nên thời gian kéo dài rất lâu, nhiều biến chứng nhưng hiệu quả chỉ ở một mức nhất định.

Nhưng nay nhờ có công nghệ hybrid các can thiệp tim mạch thay vì mổ phanh thì nay chỉ áp dụng một phần, thậm chí ở một số bệnh nhân trước không áp dụng mổ được thì nay có thể giải quyết nhanh gọn hơn.

Như đối với bệnh lý phình động mạch chủ bụng, trước đây chủ yếu mổ rạch bụng ra để cắt đoạn phình và thay bằng mạch nhân tạo.

Nhưng nay bác sĩ không cần mổ mà luồn dụng cụ từ đùi lên, đặt stent vào đoạn động mạch phình. Hay phình động mạch chủ ngực, trước đây cũng phải mổ mở và phẫu thuật này được coi là rất nặng nề, tỉ lệ tử vong cao.

Nhưng nay quá trình phẫu thuật chỉ kết hợp một phần khá đơn giản và an toàn, sau đó sẽ được can thiệp mạch bằng đặt stent.

Hay bệnh lý phình quai động mạch chủ, bình thường phải thay hoàn toàn quai động mạch chủ, nối lại các mạch nuôi não nên bị xem là phẫu thuật phức tạp và kéo dài.

Nhưng áp dụng kỹ thuật hybrid cho phép bác sĩ thao tác đơn giản hơn với phẫu thuật để làm 3 cầu nối cho 3 nhánh mạch lên não (gọi là chuyển vị trí các mạch lên não), còn tại chỗ động mạch phình sẽ đặt stent phủ luôn chỗ tổn thương. Vì thế, quá trình điều trị không chỉ nhanh, mà còn hạn chế tai biến nhất.

Đã áp dụng tính phí bảo hiểm

BS Ngô Tuấn Anh cũng cho hay, ưu điểm của kỹ thuật hybrid này là rút ngắn thời gian phẫu thuật rất nhiều. Trước đây một ca mổ phình động mạch phải nằm tại phòng hồi sức từ 3-4 ngày.

Nhưng khi áp dụng hybrid, sau khi mổ xong bệnh nhân không phải nằm hồi sức, hoặc nằm cũng thời gian rất ngắn, chỉ 1 ngày. Điều quan trọng hơn cả là tai biến và rủi ro thấp hơn rất nhiều so với phương pháp phẫu thuật truyền thống.

Ngoài ra, kỹ thuật hybrid còn giảm các biến chứng sau phẫu thuật xuống mức thấp nhất, như biến chứng suy tim, chảy máu, suy đa tạng, nhiễm trùng thấp hơn rất nhiều.

Nhược điểm duy nhất của kỹ thuật này chính làchi phí cao hơn khoảng 3 lần so với phương pháp phẫu thuật kinh điển truyền thống.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng so sánh, do phương pháp phẫu thuật có nhiều tai biến hơn nên nếu không may xảy ra bất thường thì chi phí truyền thống có thể đội lên cao hơn kỹ thuật hybrid.

Chỉ đơn giản như sau khi phẫu thuật phải nằm hồi sức 2-3 tuần thì chi phí sẽ đội lên cao hơn nhiều so với ban đầu. Trong khi kỹ thuật hybrid tổng chi phí cao nhưng lại an toàn hơn.

Và đáng nói, hiện nay phương pháp mới này đã được áp dụng bảo hiểm nên người bệnh cũng bớt được gánh nặng về chi phí.

Phạm Hằng

BẢN DESKTOP