Thời sự

Can thiệp dinh dưỡng – Chìa khóa giúp người bệnh phục hồi sau phẫu thuật

  • Tác giả : Thúy Nga
Can thiệp dinh dưỡng sớm, đúng bệnh không những giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, hỗ trợ đáp ứng phác đồ mà còn là một phương pháp điều trị giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi sức khỏe, tiết kiệm chi phí nằm viện và sớm xuất viện.

Cụ ông 83 tuổi suy kiệt do già, yếu và ảnh hưởng của khối u dạ dày, nhờ được các bác sĩ áp dụng chiến lược can thiệp dinh dưỡng trước và sau phẫu thuật, sức khỏe đã hồi phục tốt, sau 1 năm tăng 6kg và có thể đạp hàng trăm vòng trên xe đạp PHCN mỗi lần tập.

Cụ ông Nguyễn Văn Hiệp (Lâm Thao, Phú Thọ), 83 tuổi nhập viện cách đây hơn 1 năm tại khoa Phẫu thuật ung bướu Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ với thể trạng già yếu, suy kiệt, lại có khối u dạ dày kích thước lớn nên thường buồn nôn và nôn nhiều, hầu như không thể ăn uống, cần thực hiện phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Từ khi phát hiện bệnh, ông Hiệp đã bị sút 5kg chỉ sau 2 tuần. Ông chỉ ăn được chút cháo loãng cùng 1 chút sữa không đáng kể.

Sau khi đánh giá thực tế tình trạng lâm sàng cũng như tình trạng dinh dưỡng không thể đáp ứng cuộc mổ sớm, các bác sĩ đã mời hội chẩn dinh dưỡng, thống nhất thực hiện can thiệp dinh dưỡng trước phẫu thuật cho người bệnh tối thiểu 7-10 ngày sau đó đánh giá lại các điều kiện đảm bảo phẫu thuật.

Hình ảnh của người bệnh sau khi mới cắt bỏ ¾ dạ dàyHình ảnh của người bệnh sau khi mới cắt bỏ ¾ dạ dày

Do tình trạng khối u lớn, không thể trì hoãn lâu nên người bệnh đã được can thiệp dinh dưỡng tích cực. Sau 5 ngày can thiệp bao gồm cả dinh dưỡng tĩnh mạch và dinh dưỡng đường tiêu hóa, thể trạng người bệnh đã khá hơn, có khả năng đáp ứng cho cuộc mổ. Người bệnh được đưa vào phòng phẫu thuật với chỉ định cắt ¾ dạ dày.

TS.BS Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng khoa dinh dưỡng – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Đây là trường hợp can thiệp phẫu thuật đường tiêu hóa khá điển hình. Trước đây, với những trường hợp như thế này người bệnh thường sẽ được chỉ định nhịn ăn từ 5-7 ngày nuôi ăn tĩnh mạch. Nhưng với sự đồng thuận cao từ bác sĩ lâm sàng phối hợp cùng khoa Dinh dưỡng, người bệnh đã được tiến hành nuôi ăn sớm trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật theo đúng các guideline hướng dẫn từ các Hiệp hội Dinh dưỡng lâm sàng.

Người bệnh được duy trì dinh dưỡng tĩnh mạch, đồng thời khởi động nuôi ăn đường tiêu hóa một cách thận trọng, nuôi ăn từ từ tăng dần qua từng giai đoạn, phối hợp liệu pháp tăng cường miễn dịch và được tính toán năng lượng, thành phần dinh dưỡng cụ thể theo tình trạng lâm sàng thực tế của người bệnh.

Nhờ thực hiện nghiêm túc và chính xác toàn bộ phác đồ can thiệp dinh dưỡng, lại được hướng dẫn cho vận động sớm nên tình trạng người bệnh đã được cải thiện rõ rệt theo từng ngày.

Sau hơn 1 năm kiên trì thực hiện phác đồ can thiệp dinh dưỡng, mỗi ngày cụ ông 83 tuổi đã có thể đạp hàng trăm vòng trên xe đạp PHCN mỗi lần tập
Sau hơn 1 năm kiên trì thực hiện phác đồ can thiệp dinh dưỡng, mỗi ngày cụ ông 83 tuổi đã có thể đạp hàng trăm vòng trên xe đạp PHCN mỗi lần tập

Sau phẫu thuật 2 – 3 ngày, cùng với sự trợ giúp của người nhà, ông Hiệp đã có thể đứng dậy đi lại nhẹ nhàng quanh buồng bệnh, 5 ngày sau phẫu thuật đã đi dọc hành lang. Sau 7 ngày người bệnh đã đi bộ quanh bệnh viện và sau 12 ngày thì được xuất viện.

Dù cắt ¾ dạ dày nhưng tình trạng tiêu hóa người bệnh sau 1 tuần đã ổn định và chỉ đi ngoài ngày 1 lần, không xuất hiện tình trạng tiêu chảy hay dấu hiệu kém dung nạp. Người bệnh được kê thực đơn và hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt về thực hiện tại gia đình sau khi xuất viện. Việc thực hiện chế độ dinh dưỡng và tập luyện tại nhà cũng được người bệnh thực hiện rất nghiêm túc.

1 tháng sau khi xuất viện về người bệnh tăng 2kg và sau 1 năm phẫu thuật người bệnh tăng 6kg. Hiện tại, ông Hiệp có thể đạp hàng trăm vòng trên xe đạp PHCN mỗi lần tập, tình trạng dinh dưỡng cũng như tinh thần khá tốt, các chỉ số xét nghiệm tái khám lại đều ổn định.

“Ngoài điều trị lâm sàng bệnh nhân còn được can thiệp dinh dưỡng đúng bệnh giúp cải thiện tình trạng sức khỏe. Dinh dưỡng không những giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, hỗ trợ đáp ứng phác đồ, dinh dưỡng còn là một phương pháp điều trị. Liệu pháp dinh dưỡng đã giúp ông Hiệp cũng như các bệnh nhân khác nhanh chóng phục hồi sức khỏe, tiết kiệm chi phí nằm viện và sớm xuất viện.”, TS.BS Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP