Dữ liệu y khoa

Cẩn thận với tổn thương tim phổi của hội chứng hậu Covid-19

  • Tác giả : TS.BS Lê Tuấn Thành
(khoahocdoisong.vn) - Là người theo dõi dịch từ đầu và nghiên cứu sâu về tim phổi, TS.BS Lê Tuấn Thành, Giám đốc Dự án Trung tâm xuất sắc Tim mạch Vinmec khẳng định: Covid-19 gây những hậu quả lâu dài do các tổn thương tim phổi và dẫn tới giảm sức lao động và chất lượng sống. Các hậu quả này được giới khoa học tạm gọi là "Hội chứng hậu Covid-19".

Hội chứng Hậu Covid-19 (Post CoVid-19 syndrome) là có thật và các tác động lâu dài của Covid-19 đối với cơ thể của chúng ta sẽ còn phải tiếp tục được nghiên cứu làm rõ. Tuy nhiên, xin tổng hợp một số hậu quả đã được chứng minh dưới đây:

Bên cạnh các tổn thương phế nang, nhu mô phổi và đường thở, một phân tích gộp được công bố tháng 3/2021 khẳng định có đến 79% số bệnh nhân đã âm tính với Covid-19 nhưng vẫn tìm thấy các tổn thương tim khác nhau, trong đó có viêm cơ tim mạn tính tự miễn (40.2%). Tỷ lệ này ở nghiên cứu gốc công bố trước đó (tháng 7/2020) là 60%. Nghiên cứu công bố tháng 2/2021 cho thấy, vẫn ghi nhận được tình trạng tăng Troponin T ở 32% bệnh nhân Covid-19 sau khi xuất viện 68 ngày. Một số trường hợp gây tổn thương và dị dạng phình mạch vành kiểu KAWASAKI cũng được phát hiện ở trẻ nhỏ.

Phim chụp MRI tim của một bệnh nhân Covid-19 được công bố lần đầu tiên vào tháng 7/2020 trên tạp chí khoa học danh tiếng Circulation.

Phim chụp MRI tim của một bệnh nhân Covid-19 được công bố lần đầu tiên vào tháng 7/2020 trên tạp chí khoa học danh tiếng Circulation.

Nghiên cứu của Anh phân chia nhiễm Covid-19 thành 3 giai đoạn: cấp tính trong vòng 4 tuần đầu, tiếp diễn từ 4 - 12 tuần và mạn tính từ sau tuần thứ 12 kể từ khi được chẩn đoán.

Một nghiên cứu tại Ý cho thấy, có đến 87% người bệnh nhiễm Covid-19 tiếp tục có các triệu chứng sau 60 ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên.

Hơn 50% người bệnh vẫn tiếp tục cảm thấy mệt mỏi sau 10 tuần, 60% người bệnh nhiễm Covid-19 thể nhẹ và 72% người bệnh thể nặng sau 4 - 8 tuần xuất viện vẫn tiếp tục bị các triệu chứng tim phổi như thở nông, đau ngực, ho khan.

Một nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy, chức năng thông khí của phổi kém ở hơn 50% trường hợp đã xuất viện 30 ngày. Kết quả này cho thấy tác động của Covid-19 đến đường thở là rõ rệt.

Một nghiên cứu khác tại Đức cho thấy, có bằng chứng tổn thương tim có thể liên quan tới Covid-19 ở 72% các trường hợp nhiễm Covid-19 sau 2 - 3 tháng, đặc biệt là có tới 60% xác định có viêm cơ tim.

Các triệu chứng thần kinh phổ biến sau 3 tháng bao gồm: Đau đầu, giảm cảm giác (thị giác, nghe, nếm, ngửi, xúc giác bàn tay), di chuyển khó khăn, rùng mình, giảm trí nhớ, giảm nhận thức.

Gần đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) có khuyến cáo cẩn trọng vì phát hiện một vài trường hợp có vẻ liên quan viêm cơ tim sau tiêm văcxin loại mRNA. Tuy nhiên, so với các hậu quả lâu dài mà Covid-19 đang được phát hiện trên quần thể nhiễm bệnh thì lợi ích vẫn lớn hơn nguy cơ rất nhiều... có thể chính những phát hiện này được tìm thấy trên những người đã từng bị nhiễm Covid-19 mà không hề biết, đến nay mới tiêm.

Các nhà khoa học tiếp tục cảnh báo, tuyệt đối không thỏa hiệp với virus SARS-COV-2, “sống chung” với dịch bệnh để có miễn dịch cộng đồng sau nhiễm bệnh cùng với văcxin, hành động đó chưa thể lường hết được hậu quả lâu dài tới nhiều quần thể người khác nhau trên thế giới, trong đó có người Việt Nam. Cần tiếp tục kiên định với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về việc triển khai tiêm văcxin thần tốc và duy trì 5K.

TS.BS Lê Tuấn Thành (Giám đốc Dự án Trung tâm xuất sắc Tim mạch Vinmec)

TS.BS Lê Tuấn Thành

BẢN DESKTOP