Y học và đời sống

Cẩn thận mệt mỏi, sốt cao... do lao màng não

  • Tác giả : Thúy Nga
Dù chỉ chiếm 5% tổng số các trường hợp nhiễm lao, nhưng lao màng não có tỷ lệ tử vong cao lên đến 70 - 80%. Nếu vượt qua án tử, bệnh nhân có thể phải gánh chịu những di chứng nặng nề.

    “Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới, 9.900 bệnh nhân lao kháng thuốc và có khoảng 11.000 người tử vong do lao hàng năm.

    Năm 2023 Việt Nam đứng thứ 12/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới và đứng thứ 10/30 quốc gia có số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc cao nhất toàn cầu”, TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết.

    97 ngày nguy kịch

    Quân nhân Đỗ Minh V. (sinh năm 1997) thuộc Lữ đoàn 146, Quân chủng Hải quân khi đang làm nhiệm vụ tại đảo An Bang xuất hiện các triệu chứng: mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sốt cao 39,5°C, rét run và rối loạn tri giác. Tại Bệnh xá đảo, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi viêm não – màng não.

    Dù đã được hội chẩn từ xa qua hệ thống Telemedicine và phối hợp điều trị với các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 hai lần, nhưng tình trạng của bệnh nhân vẫn diễn tiến nặng. Sau hội chẩn lần 3, bệnh nhân được trực thăng đưa từ đảo về đất liền điều trị.

    Kết quả hội chẩn chuyên sâu xác định, bệnh nhân mắc lao màng não. Trong suốt hơn 3 tháng điều trị, bệnh nhân trải qua nhiều biến chứng nghiêm trọng: phù não và giãn não thất nặng, phải can thiệp dẫn lưu hai lần, viêm phổi thở máy, nhiễm trùng tiết niệu tái đi tái lại… May mắn sau 97 ngày điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện.

    Bệnh nhân lao màng não được xuất viện sau 97 ngày điều trị - Ảnh Bệnh viện Quân y 175

    Bệnh nhân lao màng não được xuất viện sau 97 ngày điều trị - Ảnh Bệnh viện Quân y 175

    BSCKII Nguyễn Phương Thảo, Phụ trách Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân Y 175 cho biết, dù chỉ chiếm 5% tổng số các ca lao, nhưng lao màng não là thể lao ngoài phổi có tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong cao và thường để lại di chứng nặng. Nếu nhập viện muộn, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lao màng não lên đến 70-80%.

    Trường hợp còn sống, ít nhất có 20% tỷ lệ bệnh nhân phải chịu biến chứng lâu dài, nghiêm trọng bao gồm các tổn thương ở não, tê liệt, động kinh, điếc.... Bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao (15 - 30%) mặc dù người bệnh đã được điều trị và chăm sóc tích cực.

    Những biến chứng của viêm màng não do lao bao gồm: mất thị lực, thính lực, co giật cục bộ, tăng áp lực hộp sọ, tổn thương não, mô não, đột quỵ, tử vong.

    11.000 người tử vong mỗi năm, nhiều người chưa được phát hiện

    TS.BSCC Đinh Văn Lượng cho biết, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm, Việt Nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới và khoảng 11.000 người tử vong do lao.

    Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam mới phát hiện được khoảng 60% số bệnh nhân lao tại cộng đồng, nếu số người mắc lao không được kiểm soát, các năm tiếp theo sẽ rất khó khăn cho công tác phòng chống lao.

    Lao màng não - Ảnh minh họa

    Lao màng não - Ảnh minh họa

    ThS.BS Nguyễn Thị Ly, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, lao màng não là một trong những loại bệnh lao có tiên lượng nặng. Đây là thể lao ngoài phổi do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây nên. Vi khuẩn này sau khi vào cơ thể, chúng sẽ theo đường máu đến não, màng não, tấn công phá hủy các bộ phận này, gây nên bệnh lao màng não.

    Lao màng não có thể gặp ở nhiều đối tượng khác nhau. Bệnh hay gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 1 - 5, người lớn trong độ tuổi từ 20 - 50.

    Những biểu hiện của bệnh lao màng não phụ thuộc vào thời gian mắc bệnh. Thời kỳ khởi phát thường kéo dài từ từ, có thể đến vài tuần, với các biểu hiện như: Mệt mỏi, chán ăn, sút cân, ngủ kém; Có biểu hiện sốt nhẹ về chiều và tối, đau đầu, buồn nôn, mất ngủ. Một số người có biểu hiện bại hoặc co giật cục bộ nhưng chỉ thoáng qua. Trẻ em thường hay buồn ngủ, bỏ ăn, bỏ chơi.

    Thời kỳ toàn phát, triệu chứng thường không điển hình, dễ bị bỏ qua đến khi phát hiện thì bệnh đã chuyển biến nặng. Các biểu hiện của giai đoạn này gồm: Sốt nhẹ, đau đầu âm ỉ hoặc dữ dội, nôn, đau bụng, đau cột sống, đau khớp và đau các chi, rối loạn tiêu hóa, đại tiểu tiện không tự chủ.

    Nặng hơn người bệnh có thể bị liệt các dây thần kinh sọ, đồng thời liệt các chi, rối loạn ý thức, tâm thần. Tình trạng nặng người bệnh có thể bị hôn mê.

    Theo ThS.BS Ly, vi khuẩn lao có thể gây nhiều tổn thương cho não và màng não. Các động mạch chuyên cung cấp máu cho não bị viêm và hẹp.

    Vì thế một vùng của não bị tổn thương. Biến chứng tăng áp lực trong não là nguyên nhân khiến cho não bị tổn thương vĩnh viễn, không có cơ hội hồi phục.

    Nếu bệnh nhân thấy thị lực thay đổi kèm theo đau đầu, cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay, vì đây có thể là triệu chứng của việc tăng áp lực trong não.

    Bệnh lao màng não nếu được phát hiện và điều trị sớm, đồng thời vi khuẩn lao không kháng thuốc có thể hết sốt sau 2 - 4 tuần, hội chứng màng não có thể hết sau 6 - 8 tuần, dịch não tủy sau 2 - 4 tháng có thể trở lại bình thường.

    Nếu vi khuẩn lao kháng thuốc hoặc điều trị muộn bệnh sẽ tiến triển rất nặng: Người bệnh bị suy hô hấp, sốt tăng, phù não, mạch không đều, hôn mê và tử vong.

    Lao màng não ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với những người phải sống trong điều kiện thiếu thốn. Vì vi khuẩn lao lây lan qua đường hô hấp nên thường bắt gặp nhiễm trùng lao ở phổi. Khoảng 1 - 2% ca bệnh nhiễm trùng tiến triển thành viêm màng não do lao.

    Cách phòng tránh bệnh

    Hiện nay, phương pháp hữu hiệu nhất để đề phòng các bệnh do vi khuẩn lao, cụ thể là lao màng não đó là tiêm vắc xin. Trong đó, vắc xin BCG được sử dụng phổ biến, hiệu quả cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

    Ngoài ra, nên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay đầy đủ khi tiếp xúc với những người mắc bệnh lao.

    Đối với người mắc lao phổi, cần tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, đeo khẩu trang và rửa tay đầy đủ, không khạc nhổ bừa bãi để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

    Đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh người bệnh, nơi ở thông thoáng, tận dụng ánh sáng tự nhiên do vi khuẩn lao kém hoạt động dưới ánh sáng mặt trời.

    Cần đi kiểm tra khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao.

    Thúy Nga

    BẢN DESKTOP