Dữ liệu y khoa

Cẩn thận ký sinh trùng gây mù mắt

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Bệnh do ký sinh trùng rất phổ biến ở nước ta và gây biến chứng ở mắt theo 2 cách: Đến mắt gây bệnh hoặc nằm ở xa mắt nhưng tiết độc tố theo nước mắt hoặc máu mà đến mắt.

Dị ứng do giun: Các loại giun đũa, giun móc có thể gây ra viêm thị thần kinh, viêm thị thần kinh sau nhãn cầu. Trường hợp bệnh nặng không được chữa kịp thời có thể bị teo thị thần kinh.

Bệnh giun tròn ở mắt (Baylisascaris procyonis, ToxocariasisThelazia): Cả 3 loại giun này đều có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho mắt. Giun tròn Baylisascaris có khả năng gây mù, thương tổn thần kinh hoặc tử vong ở người. Con người chỉ phát hiện ra bệnh sau khi trứng nở thành ấu trùng. Ấu trùng xuyên qua thành ruột và di chuyển vào các mô khác nhau, khi ấu trùng di chuyển vào não hoặc mắt sẽ gây tổn thương nghiêm trọng đến não và mắt.

Toxocariasis là bệnh ký sinh trùng gây ra bởi ấu trùng của hai loài giun tròn Toxocaras từ chó và mèo.  Triệu chứng và dấu hiệu của Toxocariasis mắt bao gồm giảm thị lực, viêm mắt hoặc thiệt hại đến võng mạc.Thông thường chỉ có một mắt bị ảnh hưởng. 

Giun tròn Thelazia ký sinh ở chó, trâu, bò, ngựa được ruồi mang ấu trùng đến mắt người khi ruồi ăn những giọt nước mắt của các vật chủ. Ấu trùng xâm nhập vào túi kết mạc của vật chủ và trở thành giun trưởng thành sau khoảng 1 tháng. Giun ở trong mắt gây viêm và chảy nước mắt. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng, sợ ánh sáng, phù, viêm kết mạc, và mù lòa có thể xảy ra.

Giun xoắn ở mắt: Giun xoắn Onchocerca xâm nhập vào người thông qua loài ruồi đen truyền bệnh chích vào da người để hút máu và truyền những ấu trùng giun chưa trưởng thành từ người bệnh sang những người lành. Ở người khi bị nhiễm giun xoắn gây suy giảm thị lực hoặc mù. Bệnh mắt do giun xoắn trên toàn thế giới chỉ đứng sau bệnh đau mắt hột là một nguyên nhân gây lây nhiễm của bệnh mù. Các biểu hiện nghiêm trọng nhất bao gồm các tổn thương cấu trúc quan trọng và thường gây mù vĩnh viễn. 

Bệnh sán nhái mắt: Nguyên nhân thường do đắp nhái lên mắt hoặc đi câu sử dụng mồi nhái. Ấu trùng sán nhái vào mắt sẽ tạo ra u sán nhái hoặc ở dưới kết mạc hoặc ở trong hốc mắt. Phần lớn các trường hợp chỉ thấy một u sán nhưng có những người theo y văn có đến 12 – 30 con sán ở mắt. Biểu hiện u thường ngứa, lúc to lúc bé theo sự hoạt động của sán. Tuy nhiên, có trường hợp khó chẩn đoán, có thể nhầm với u của tuyến lệ, viêm tổ chức hốc mắt…

Nang sán lợn ở mắt: Trứng sán ở trong ruột người do một sóng nhu động ngược (khi nấc mạnh, nôn…) bị đưa vào dạ dày, từ đấy sán theo máu đến mắt mà gây bệnh. Sau khi vào mắt, nang sán thường gây phản ứng làm đục dịch kính nên người bệnh có cảm giác sương mù trước mắt, thị lực giảm dần. Khám đáy mắt có thể thấy nang sán màu xanh lục hay trắng đục, đường kính từ 6 – 9mm. Soi kỹ có thể thấy đầu sán trắng đục dưới lớp màng mỏng. Nang sán hình cầu hay bầu dục. Khi sán sống, nếu theo dõi lâu có thể thấy nó co giãn nhẹ nhàng. Thường sán có thể phát triển dưới võng mạc hoặc nằm hẳn trong dịch kính. Trường hợp ở lâu trong nhãn cầu, nang sán có thể gây ra viêm màng bổ đào làm hỏng mắt. Kèm với nang sán ở mắt có thể phát hiện nhiều nang sán khác ở dưới da bụng, dưới da mặt trong cánh tay, trong não…

Để tránh mắc các bệnh về mắt do các loại ký sinh trùng gây nên, chúng ta cần thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi, vệ sinh thân thể sạch sẽ, vệ sinh khu vực vui chơi của trẻ em, phát quang, làm sạch môi trường sống xung quanh. Khi nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng nên đến các cơ sở chuyên khoa để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

GS.TS Nguyễn Văn Đề (Đại học Y Hà Nội)

Thúy Nga

BẢN DESKTOP