Dữ liệu y khoa

Cẩn thận cúm A biến chứng trong thời tiết rét lạnh

  • Tác giả : N.Hà (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Khi bị cúm, chủ yếu chăm sóc tại nhà, điều trị triệu chứng bằng cách uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt đúng... nhưng cần theo dõi chặt tránh các biến chứng não, viêm phổi, tim...

Bé N.M.H. (2 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, li bì và thi thoảng co giật. Mẹ bé cho biết, nhà có hai chị em, đầu tiên bé lớn 5 tuổi đi mẫu giáo về ho, sổ mũi sau đó đến bé thứ 2 nhưng bệnh nặng hơn nên gia đình đưa đi khám và phải nhập viện cấp cứu. Kết quả xét nghiệm bé bị nhiễm cúm A.

Lời bàn: TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội nhiễm, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, bệnh cúm là bệnh đặc trưng của mùa đông xuân, thường gặp ở Việt Nam và các nước trong khu vực do virus cúm A và B, có thể gây dịch theo vùng hoặc diện rộng. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho… Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục, có thể tự khỏi sau 3 - 5 ngày.

Khi bị cúm, chủ yếu chăm sóc tại nhà, điều trị triệu chứng bằng cách uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt đúng. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu nặng lên như sốt cao liên tục không hạ được nhiệt độ, mệt mỏi, bứt rứt, khó chịu, đau đầu, buồn nôn, cần đưa đến bệnh viện. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Để phòng bệnh, ngoài ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, tốt nhất nên tiêm văcxin cúm và đeo khẩu trang.

N.Hà (ghi)

BẢN DESKTOP