Thời sự

Cẩn thận biến chứng viêm hoại tử xương hàm sau nhổ răng

  • Tác giả : BS.CKII Lê Thị Thanh Thủy
Viêm xương hàm là một trong những biến chứng có thể gặp sau khi nhổ răng, đặc biệt trên người bệnh mắc các bệnh toàn thân như: Đái tháo đường, bệnh lý tim mạch…. Ngoài ra có thể gặp biến chứng như: Đau, viêm lợi, viêm huyệt ổ răng,…

Sau khi nhổ răng hàm dưới bên trái, người bệnh P.T.L (65 tuổi) trú tại thị xã Phú Thọ gặp phải tình trạng vết thương không liền, đau nhức kéo dài kèm theo chảy mủ.

Người bệnh đã ở trong tình trạng “đau nhức, mất ăn mất ngủ” liên tục nhiều ngày, trước khi được điều trị tại Khoa Răng hàm mặt – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tại đây, sau thăm khám và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, người bệnh được chẩn đoán: viêm hoại tử xương hàm dưới bên trái trên người bệnh đái tháo đường.

Người bệnh P.T.L biến chứng sau nhổ răng khám răng tại Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú ThọNgười bệnh P.T.L biến chứng sau nhổ răng khám răng tại Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Theo lời kể của người bệnh: Cách đây 4 tháng, người bệnh xuất hiện đau nhức răng hàm (hàm dưới bên trái) nên đã đi khám và nhổ răng số 37 tại một phòng khám răng tư nhân. Sau khi nhổ răng, người bệnh bị đau nhức kéo dài liên tục. Kèm theo đó, vùng nhổ răng xuất hiện sưng nề, chảy dịch. Hơi thở xuất hiện mùi hôi khiến người bệnh rất khó chịu và mệt mỏi.

Người bệnh đã tự mua thuốc điều trị tại nhà nhiều tháng nhưng không khỏi. Sau đó người bệnh đã đến khám và điều trị tại tại cơ sở y tế gần nhà nhưng cũng không hiệu quả. Quá mệt mỏi với những cơn đau, người bệnh đã tới khoa Liên chuyên khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt – Bệnh viện đa khoa Tỉnh Phú Thọ để được thăm khám và điều trị.

Tại đây, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm máu tổng quát, chụp cắt lớp vi tính vùng hàm mặt, người bệnh được chẩn đoán: viêm hoại tử xương hàm dưới bên trái trên người bệnh đái tháo đường (tại vị trí răng đã nhổ vẫn còn mảnh xương chết chưa được lấy hết).

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính vùng hàm mặt của người bệnh trước khi được điều trịHình ảnh chụp cắt lớp vi tính vùng hàm mặt của người bệnh trước khi được điều trị

Người bệnh được chỉ định phẫu thuật: nạo vét ổ viêm, lấy mảnh xương chết. Sau phẫu thuật 2 ngày, vết mổ đã ổn định, không còn chảy dịch. Sau phẫu thuật 5 ngày, người bệnh gần như hồi phục hoàn toàn, không còn đau nhức, không còn sưng, viêm và được ra viện.

Viêm xương hàm là một trong những biến chứng có thể gặp sau khi nhổ răng, đặc biệt trên người bệnh mắc các bệnh toàn thân mãn tính như: Đái tháo đường, bệnh lý tim mạch…. và người bệnh không được xử lý triệt để tình trạng tại chỗ như: Xương ổ viêm hay nang chân răng… trong khi nhổ răng.

Vì vậy, trước khi nhổ răng, người bệnh cần được thăm khám, làm các xét nghiệm tổng quát và chỉ định cận lâm sàng cần thiết tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín. Đặc biệt, khi xuất hiện những dấu hiệu đau nhức, sưng nề sau nhổ răng người bệnh nên đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài viêm xương hàm, sau khi nhổ răng còn có thể gặp một số biến chứng như: Đau, viêm lợi, viêm huyệt ổ răng,…

Để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra sau khi nhổ răng, người bệnh nên chọn địa chỉ nha khoa uy tín để được thăm khám và điều trị tốt nhất. Đặc biệt với những người bệnh gặp phải những biến chứng trên nền có bệnh lý toàn thân, sau khi điều trị ổn định người bệnh vẫn phải theo dõi, kiểm tra định kỳ thường xuyên.

BS.CKII Lê Thị Thanh Thủy (Trưởng khoa Liên chuyên khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ)

BS.CKII Lê Thị Thanh Thủy

BẢN DESKTOP