Chuyển động

Cần nhân rộng mô hình bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật

  • Tác giả : Nguyễn Thị Loan (Huyện Đông Anh, Hà Nội)
Tại không ít chỗ ven kênh mương khu vực trồng hoa tại làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), các loại túi, chai lọ đựng thuốc bảo vệ cây trồng dồn tụ, ứ đọng cả đống.

Mới đây, khi đi tham quan một số khu vực trồng hoa tại làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), tôi quan sát thấy tại các kênh mương tiêu thoát nước xuất hiện khá nhiều các loại bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật mà người dân sau khi sử dụng xong đã vứt xuống. Tại không ít chỗ ven kênh mương, các loại túi, chai lọ đựng thuốc bảo vệ cây trồng dồn tụ, ứ đọng cả đống.

Không riêng gì làng hoa Tây Tựu, rất nhiều những làng hoa và các vùng trồng rau màu, canh tác lúa…, tại nhiều tỉnh thành đều xuất hiện tình trạng bao bì thuốc bảo vệ thực vật vương vãi khắp ruộng đồng. Vài thập kỷ trở lại đây, trong canh tác nông nghiệp ở nước ta, người nông dân sử dụng tới các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng cho cây trồng ngày một nhiều. Rác thải từ bao bì của thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng vương vãi khắp nơi trên đồng ruộng.

Việc có quá nhiều rác thải từ bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng như vậy mà không được thu gom trong một thời gian dài sẽ tác động không nhỏ tới sự ô nhiễm của đất canh tác, nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu. Đó còn chưa kể tới không ít loại rác thải từ vỏ bao bì có chất liệu cứng như thủy tinh, sắt, thiếc..., khi chúng lẫn vào đất, mương máng, kênh dẫn nước... có thể mang tới sát thương cho cả người và gia súc.

Nhằm khắc phục tình trạng người nông dân vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi ra cánh đồng, gây ô nhiễm môi trường, từ vài năm trở lại đây, một số địa phương đã phát động phong trào "làm sạch đồng ruộng". Phong trào được triển khai bằng hình thức đầu tư xây bể chứa rác ngoài đồng ruộng và tuyên truyền vận động người dân không vứt, xả rác bừa bãi. Sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật xong, thu gom rồi vứt bỏ vào bể chứa, tạo thuận lợi cho việc thu gom để tiêu hủy, xử lý.

Thực tế, có khá nhiều địa phương tại một số tỉnh, thành phố làm tốt phong trào "làm sạch đồng ruộng", như: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bắc Giang..., khi bể chứa rác thải được xây dựng, phân bổ hợp lý tại các địa điểm trên cánh đồng. Mặt khác, hàng tuần lại có đội ngũ đi tới các bể chứa thu gom hết số rác để vận chuyển mang tới nơi tiêu hủy. Theo như tôi thấy, tại hầu hết các địa phương có phong trào xây bể chứa rác và "làm sạch đồng ruộng" thì tình trạng người nông dân vứt, xả hộp, chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật nói riêng cũng như các loại rác thải khác nói chung ra đồng ruộng là hầu như không còn. Bởi hầu như ai cũng hiểu được tác hại, ảnh hưởng khôn lường về lâu dài của các loại rác thải đối với đồng ruộng, nguồn nước tác động tới sức khoẻ của con người...

Mô hình bể chứa rác cùng phòng trào "làm sạch đồng ruộng" tốt tới môi trường và sức khỏe của người nông dân, vì vậy nó cần được nhân rộng. Các địa phương chưa có phong trào "làm sạch đồng ruộng" cần nhanh chóng tuyên truyền vận động để người dân hưởng ứng tham gia giữ gìn ruộng đồng luôn sạch sẽ, đất và nguồn nước không bị ô nhiễm…

Nguyễn Thị Loan (Huyện Đông Anh, Hà Nội)

BẢN DESKTOP