Dữ liệu y khoa

Cân não loại bỏ khối u mỡ khổng lồ cho bé gái 2 tuổi

  • Tác giả : Khánh Chi
(khoahocdoisong.vn) - 2 tuổi, nặng 16kg, Bé V. phải gánh trên lưng khối u mỡ khổng lồ nặng hơn 4kg. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, đây là bệnh nhi có khối u mỡ khổng lồ hiếm gặp và quá trình phẫu thuật rất phức tạp.

Chưa từng được nằm thẳng từ lúc chào đời

Bé V. chào đời đã có khối u mỡ ở lưng và mông, teo thận trái, dị dạng bàn chân. Chị Giàng Thị H. (Lục Ngạn, Bắc Giang) – mẹ bé cho biết, dị dạng này đã được các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh thông báo khi thai nhi được 8 tháng tuổi. Sau sinh 2 tháng chị đã đưa con đi khám ở tuyến dưới và được chẩn đoán là u dị dạng bạch huyết. Tuy nhiên, khối u còn nhỏ nên được khuyên cho về theo dõi.

“Hai năm qua, con gái tôi chưa bao giờ được nằm thẳng như các bạn. 6 tháng gần đây, khối u phát triển rất nhanh nên tôi mới cho con đi khám”, chị H. kể.

Khối u mỡ khổng lồ khiến bé V. không thể nằm thẳng.

Khối u mỡ khổng lồ khiến bé V. không thể nằm thẳng.

ThS.BS Đặng Hoàng Thơm, Trưởng khoa Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, bé V. đến viện được chẩn đoán có khối u mỡ khổng lồ sau lưng, kích thước 40 x45cm, chiếm toàn bộ vị trí vùng vai, lưng và một phần vùng mông. Trên phim, u lan tỏa toàn bộ hai bên lưng, vai, lan qua giữa cột sống từ trái qua phải. Ngoài ra, cháu có dị tật thận phải teo nhỏ, dị tật hai bàn chân.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ nhận định khối u to, kích thước lớn vùng lưng luôn khiến cháu có tư thế đối nghịch lại với khối u khiến cháu phải cúi gập người khi đi lại. Lúc đến khám, cột sống của cháu đang bắt đầu bị biến dạng, lồng ngực bên trái bị biến dạng phồng lên. Trường hợp này gia đình đưa cháu đến cũng khá muộn.

Loại bỏ u và bảo tồn da

Các bác sĩ quyết định phẫu thuật sớm để giải quyết cắt bỏ hoàn toàn khối u mỡ vùng ngực lưng giúp cháu có tư thế bình thường, hạn chế nguy cơ biến dạng cột sống, lồng ngực, giúp cháu đi lại vận động tốt trong tương lai.

Bệnh nhi nhập viện ngày 4/11 và được tiến hành phẫu thuật ngay ngày hôm sau. Do khối mỡ nằm lan tỏa toàn bộ vùng lưng, ranh giới không rõ nên vấn đề đặt ra là cắt bỏ khối u phải tính toán bảo tồn lượng da che phủ.

“Nếu phẫu thuật không đúng, không đánh giá chi phối việc cấp máu vùng da thì da có thể hoại tử. Khi đó dù cắt được khối u nhưng toàn bộ vùng lưng không còn da sẽ phải ghép da. Chúng tôi lên phương án phải bóc toàn bộ khối u vùng lưng, vai vì khối u đã bám sát cả vào khối cơ cột sống, tổ chức cơ lỏng lẻo. Vì vậy, làm sao phải cố gắng bảo tồn cơ, bảo đảm chức năng cơ giúp cột sống vững vàng và bảo đảm da sau khi loại bỏ khối u”, ThS.BS Đặng Hoàng Thơm cho biết.

Thăm khám lại vị trí khối u sau phẫu thuật.

Thăm khám lại vị trí khối u sau phẫu thuật.

Trong suốt 4 giờ, các bác sĩ đã loại bỏ được khối u mỡ khổng lồ, nặng tới 4kg cho cháu bé. Sau mổ để tránh nguy cơ nhiễm trung do tiết dịch và phải theo dõi sự sống của vạt da được khâu lại, bé được chăm sóc đặc biệt. Hiện nay, vết thương đang hồi phục khá tốt, vạt da sống và dự kiến 3 – 4 hôm nữa, bệnh nhi được xuất viện.

Khoảng 6 tháng nữa khi sức khỏe cháu ổn định, các bác sĩ sẽ phẫu thuật loại bỏ khối u mỡ vùng mông cho cháu bé.

U mỡ lành tính thường gặp ở người lớn do lắng đọng chất mỡ nằm dưới da. U mỡ nằm ở nhiều vị trí như cổ, vai, lưng, cánh tay. U mỡ lành tính nhưng dễ chẩn đoán nhầm với u phần mềm có xu hướng lành tính, hoặc u mỡ phối hợp dị dạng mao mạch bạch huyết... Vì vậy, cần phải có sự khám sàng lọc xem đúng u mỡ hay u khác. U mỡ với kích thước bé có thể theo dõi sống hòa bình. Khi u mỡ to hơn 5cm thì phải cân nhắc phẫu thuật vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ hoặc nằm vị trí quan trọng gây chèn ép ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể.

Khánh Chi (Bệnh viện Nhi T.Ư)

Khánh Chi

BẢN DESKTOP