Y học và đời sống

Cần làm gì khi dịch cúm A gia tăng bất thường?

  • Tác giả : Thúy Nga
Cúm A đang gia tăng nhanh chóng, nhiều người phải nhập viện với biến chứng nặng về đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, sốt nhiễm khuẩn... Vậy làm gì để phòng tránh.

1 bệnh viện 5 ngày hơn 300 ca mắc cúm nhập viện

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh cho hay, chỉ trong 5 ngày đầu năm 2025, Khoa Nhi của bệnh viện Hồng Ngọc đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc cúm A, số lượng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng nói, gần 20% bệnh nhi đã có biến chứng nặng về đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, sốt nhiễm khuẩn... gây khó khăn và kéo dài thời gian điều trị, phần lớn do trẻ sử dụng thuốc tại nhà không qua kê đơn và đưa đến thăm khám muộn.

Điển hình là trường hợp bệnh nhi N.T.T. (2 tuổi), trước khi vào viện có biểu hiện sốt nhẹ từng cơn, ho nhiều đờm xanh, sổ mũi, được bố mẹ tự mua thuốc điều trị tại nhà trong 3 ngày nhưng không đỡ. Thời điểm vào viện, bệnh nhi đã chuyển biến nặng trong tình trạng sốt cao, li bì, thở nhanh.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sỹ xác định bé bị nhiễm cúm A và bội nhiễm viêm phổi kèm suy hô hấp. Các bác sỹ đã nhanh chóng lên phác đồ điều trị tích cực và hỗ trợ thở oxy để cải thiện tình trạng.

Chăm sóc trẻ mắc cúm A tại bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Ảnh BVCC

Chăm sóc trẻ mắc cúm A tại bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Ảnh BVCC

Với sự gia tăng đột biến các ca mắc cúm A và B trong những ngày gần đây, theo các chuyên gia y tế, hiện tại miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa Đông-Xuân, với sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, cùng không khí hanh khô, tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan nhanh chóng.

Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm không khí do bụi mịn tại Hà Nội đang trở nên nghiêm trọng. Các hạt bụi mịn có kích thước siêu nhỏ, dễ xâm nhập sâu vào phổi, gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp, làm tăng khả năng nhiễm trùng và biến chứng do cúm, nhất là ở trẻ có sức đề kháng yếu.

Thêm vào đó, vào thời điểm cận Tết, khi các hoạt động tụ tập đông người như lễ hội và mua sắm diễn ra phổ biến, trẻ em thường xuyên tham gia những nơi đông đúc, dễ tiếp xúc với người mắc bệnh.

BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện nay, các chủng cúm A, B đã trở thành một trong những virus cúm mùa thông thường.

Theo nghiên cứu của WHO, trẻ em lẫn người lớn đều có thể mắc cúm, đặc biệt vào mùa lạnh và cần tiêm vắc xin hằng năm để phòng bệnh chủ động cũng như tránh biến chứng nguy hiểm.

Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa virus cúm.Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.

Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, hàng năm ước tính có 5-20% người trưởng thành và 20-30% trẻ em mắc cúm. Dịch cúm gây ra 3-5 triệu ca cúm nặng và 250.000-500.000 ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm.

Cần phòng ngừa để tránh biến chứng nguy hiểm

BS Lê Văn Thiệu cảnh báo, cúm mùa không chỉ nguy hiểm với trẻ em mà ngay cả người lớn khi bị cúm cũng cần chú ý nhập viện ngay nếu khi mắc cúm mùa mà xuất hiện các dấu hiệu sau: Khó thở, thở nhanh; tím tái, môi hoặc đầu ngón tay tím; lơ mơ, không tỉnh táo, hoặc hạ nhiệt độ cơ thể bất thường (dưới 36°C); đau ngực, huyết áp tụt; người bệnh không thể ăn uống, nôn nhiều, mất nước (khô môi, mắt trũng). Những triệu chứng này có thể báo hiệu biến chứng nguy hiểm như viêm phổi hoặc suy hô hấp.

Phụ huynh không tự ý điều trị tại nhà, đảm bảo trẻ được tiêm phòng cúm đầy đủ hàng năm và đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ khi dịch cúm đang bùng phát mạnh.

Virus cúm A là virus cúm duy nhất được biết đến là nguyên nhân gây ra đại dịch cúm, tức là dịch cúm toàn cầu. Các biểu hiện phổ biến của bệnh này gồm: sốt 38-40 độ, nhức đầu, đau người, hắt hơi, chảy mũi. Nếu sốt cao hoặc không được xử trí đúng cách, người bệnh sẽ bị mất nước, li bì, rối loạn điện giải, một số trẻ thậm chí có dấu hiệu co giật. Ngoài ra, một số triệu chứng đi kèm với sốt do cúm A như viêm họng, hắt hơi, ho.

Những trường hợp cúm A kéo dài, bệnh diễn biến nghiêm trọng có thể gây viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời.

Hiện tại chưa có thuốc đặc trị căn bệnh này. Người bệnh được điều trị theo phác đồ dựa vào các triệu chứng trẻ gặp phải. Chủ động tiêm vắc xin phòng cúm chính là hình thức bảo vệ sức khỏe chủ động tối ưu nhất cho con và chính bản thân mình.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thiết lập các trạm quan trắc virus cúm trên khắp thế giới để xác định các chủng virus cúm lưu hành ở các khu vực khác nhau. Sau đó, WHO đưa ra các hướng dẫn về chủng virus cúm để sản xuất vắc-xin phòng cúm mùa cho các nhà sản xuất.

Bởi vì virus cúm biến đổi hàng năm, việc tiêm nhắc vắc-xin cúm mùa là cần thiết. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, nhưng những đối tượng như trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 2 tuổi, người già trên 65 tuổi, những người có bệnh nền, phụ nữ mang thai… có nguy cơ cao mắc cúm và biến chứng.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP