Giải pháp

Cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xử lý rác

  • Tác giả : Quốc Trọng
(khoahocdoisong.vn) - Việc xử lý rác hiện nay cần phải phân loại rác tại nguồn, lập quy hoạch, các điểm tập kết trung chuyển rác thải... từ đó, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật, môi trường và phù hợp với điều kiện từng vùng miền và từng địa phương.

Cơ chế đã mở

Nguồn thu chi cho công tác bảo vệ môi trường của nước ta trong những năm qua vẫn còn mất cân đối, nguồn chi luôn lớn hơn nguồn thu. Dự báo nhu cầu tài chính cho công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động xử lý nước thải các khu đô thị, công nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 khoảng 25.7 - 26.3 tỷ USD.

Đáng chú ý, mức thiếu hụt chủ yếu trong giai đoạn 2020 – 2025 vì trong giai đoạn này, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng khá lớn để đảm bảo thực hiện quy hoạch xử lý chất thải.

Trong khi lĩnh vực bảo vệ môi trường cần kinh phí đầu tư rất lớn mà nguồn lực quốc gia có hạn, do đó cần xây dựng các giải pháp tổng thể để thu hút các nguồn lực bên ngoài nhất là nguồn lực quốc tế để chung tay cho công tác bảo vệ môi trường.

Những chính sách thu hút đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường đã Luật hóa tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang lấy ý kiến chờ Quốc hội thông qua.

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, hiện nay Chính phủ đang khuyến khích thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường, từng bước xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, đưa công tác bảo vệ môi trường sang một giai đoạn mới, như xây dựng thị trường định chế carbon…

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường cũng đã tạo ra nhiều cơ chế để thu hút đầu tư vào lĩnh vực môi trường. Cụ thể, dự thảo luật như có tới 13 lĩnh vực về bảo vệ môi trường mà doanh nghiệp tham gia được ưu đãi về thuế, phí, vay vốn như hoạt động tái chế, xử lý, chôn lấp chất thải; sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo

Đồng thời, Nhà nước cũng hỗ trợ đất đai, hạ tầng, nguồn vốn cho các nhà đầu tư tham gia các dự án bảo vệ môi trường như: Xây dựng hệ thống nước thải tập trung, xây dựng hệ thống thu gom rác tại nguồn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung, cơ sở tái chế.

Song song với đó là những sửa đổi theo hướng cải cách mở rộng cửa đầu tư như có thêm các loại hình thức hợp tác công tư như BT, BOT, BTL, O&M để có thể tăng cường hợp tác, kêu gọi nguồn vốn từ tư nhân để có thể huy động nguồn lực bảo vệ môi trường tốt hơn.

Trong phụ lục Hiệp định EVFTA giữa EU và Việt Nam có nêu rõ 4 lĩnh vực gồm: Xử lý nước thải, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường và các dịch vụ tương tự, xử lý khí thải… nhà đầu tư từ EU sẽ được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư Việt Nam và không hạn chế kinh doanh.

Vẫn cần rộng hơn

Hiện tại Việt Nam có khoảng 858 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa là 39,3%, tổng lượng chất thải rắn phát sinh hàng năm khoảng 15 triệu tấn, trong đó rác thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 34.500 tấn mỗi ngày, rác thải công nghiệp khoảng 3,2 triệu tấn/năm, tốc độ gia tăng rác thải hàng năm là từ 10 – 12%.

Trong khi đó, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu hiện nay vẫn là công nghệ chôn lấp. Cụ thể, công nghệ đốt chiếm khoảng 14%, công nghệ ủ phân hữu cơ khoảng 34% và công nghệ xử lý liên hợp kết hợp giữa ủ hữu cơ và đốt chiếm khoảng 52%.

Tuy lượng rác thải rắn phát sinh hàng ngày lớn, nhưng các phương tiện thu gom vận chuyển cũng như công nghệ xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác phân loại và kiểm soát chất thải tại nguồn chưa tốt, các dự án về phân loại rác chưa đạt hiệu quả.

Đặc biệt, các công nghệ xử lý rác hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Các loại hình xử lý như chôn lấp, ủ phân hữu cơ, đốt rác phát điện, đốt rác tiêu hủy, đốt rác tạo năng lượng (điện năng và nhiệt năng), công nghệ tái chế, công nghệ thu hồi khí mêtan… sẽ phụ thuộc vào quy mô, lượng rác thải thu gom và công suất của lò đốt rác và khả năng đầu ra, tiêu thụ của từng địa phương.

Ngoài vấn đề về công nghệ, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam GS.TS Nguyễn Hữu Dũng còn cho rằng, các địa phương khi đầu tư công nghệ xử lý rác cần cân nhắc về chi phí vốn và bảo vệ môi trường.

Như nhà máy đốt rác phát điện sẽ cần đầu tư khoảng 40 triệu USD cho nhà máy công suất 200.000 tấn/năm, nhưng hiệu suất thu hồi không cao. Đó là chưa kể rác thải hiện nay là độ ẩm cao và thành phần rác hữu cơ nhiều, cần xử lý nhiều khâu mới có thể đốt rác phát điện được…

Nguyên nhân là do chính sách hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, chưa thu hút được các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.

Đơn cử như muốn đẩy mạnh công nghệ đốt rác phát điện cần phải có chính sách của Nhà nước và địa phương ưu đãi để tiêu thụ nguồn điện rác này. Công nghệ đốt rác phát điện hiện nay cần có giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, địa phương và các nhà đầu tư.

Qua phân tích trên, ông Dũng đề xuất giải pháp: Trước hết phải phân loại rác tại nguồn, cần lập quy hoạch, các điểm tập kết trung chuyển rác thải, cơ giới hóa các thiết bị phục vụ thu gom vận chuyển rác. Từ đó, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật, môi trường và phù hợp với điều kiện từng vùng miền và từng địa phương.

Rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật và ban hành các đơn giá định mức thu gom vận chuyển, xử lý rác đảm bảo tính đúng tính đủ, phù hợp với cơ chế thị trường. Cần có cơ chế ưu đãi dịch vụ thu gom vận chuyển, các sản phẩm đầu ra của rác thải như chất thải tái chế, điện rác…

Quốc Trọng

BẢN DESKTOP