KINH TẾ

Cần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

  • Tác giả : Đức Vinh
(khoahocdoisong.vn) - Hội nghị "Tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội. Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2020 là năm nhiều thách thức, khó khăn nhưng ngành nông nghiệp đã giành thắng lợi toàn diện.

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2020 ngành nông nghiệp hoàn thành 4 chỉ tiêu quan trọng Nhà nước giao. Đó là, tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,65%; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 42%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới trên 62%; kim ngạch xuất khẩu trên 41,2 tỷ USD, thặng dư thương mại trên 10 tỷ USD. Đặc biệt là mặt hàng gạo xuất khẩu lần đầu tiên đạt trên 3 tỷ USD. Nông nghiệp Việt Nam trong khó khăn một lần nữa cho thấy vai trò an ninh lương thực, là bệ đỡ, là cứu cánh nền kinh tế quốc gia.

Năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu toàn ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Thủ tướng yêu cầu, tốc độ tăng trưởng GDP ngành năm 2021 đạt 3%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 44 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42%, đồng thời nâng cao chất lượng rừng.

Để đạt mục tiêu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành cần tiếp tục tháo gỡ những nút thắt về chính sách như chính sách về đất đai, tín dụng... nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Về phát triển thị trường, ngành coi trọng cả xuất khẩu và thị trường trong nước. Tranh thủ lợi thế các Hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế để ổn định, giữ vững các thị trường truyền thống, quy mô lớn, phát triển thị trường mới. Định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ, có chiến lược đàm phán mở cửa thị trường, phát triển thị trường đi đôi với đẩy mạnh Chương trình "Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn thừa nhận, ngành vẫn có lĩnh vực mức tăng không đạt mục tiêu đề ra. Thủy sản chỉ tăng 2,63%, trong khi mục tiêu đề ra 5,22%. Đổi mới hợp tác xã và phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chưa đạt mục tiêu có 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả...

Đức Vinh

BẢN DESKTOP