Cùng cảm nhận hào khí ngày 30/4/1975 qua loạt hiện vật lịch sử gắn với ngày trọng đại của dân tộc, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam.
|
1. Được lưu giữ tại Bảo tàng Binh chủng Tăng thiết giáp. Bảo vật quốc gia - Xe tăng T59 số hiệu 390 là một hiện vật có giá trị lịch sử đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. |
|
Trước khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiếc xe tăng này thuộc biên chế Đại đội 4, Tiểu đoàn 171, Lữ đoàn xe tăng 203, rồi Đại đội 4, Tiểu đoàn 512, Lữ đoàn 203 Quân đoàn 2. Năm 1973, xe hành quân vào Thừa Thiên Huế, chiến đấu giải phóng Tà Lương, A Lưới. |
|
Từ ngày 23/3/1975, xe tăng 390 tham gia giải phóng Huế. Ngày 29/3, tham gia giải phóng thành phố Đà Nẵng. Sau đó xe được điều về Tiểu đoàn 1 - Lữ đoàn 203 và cùng đơn vị hành quân đến Rừng Lỏ (gần Xuân Lộc) tiến công vào Sài Gòn - Gia Định. |
|
Ngày 30/4/1975, xe tăng 390 đã húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, mở đường cho quân ta vào bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và nội các của chính quyền Sài Gòn. Với sự kiện này, xe tăng 390 đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của ngày thống nhất đất nước. |
|
2. Cùng với xe tăng T-59 số hiệu 390, Bảo vật quốc gia - Xe tăng T-54 số hiệu 843 (hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Hà Nội) cũng là một chiếc xe tăng đóng vai trò quan trọng trong thời khắc lịch sử quyết định chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh. |
|
Được biên chế trong Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 203, Quân đoàn 2 thời kháng chiến chống Mỹ, vào cuối tháng 3/1975, chiếc xe tăng này đã tham gia chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng. Tháng 4/1975, xe tham gia giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung và tiến về Sài Gòn. |
|
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, xe tăng số hiệu 843 luôn dẫn đầu đội hình binh đoàn, phá vỡ các tuyến ngăn chặn của địch. Ngày 30/4/1975, xe dẫn đầu đội hình vào Sài Gòn, trên đường đến Dinh Độc Lập đã bắn cháy 3 xe tăng và bọc thép của địch. |
|
11h ngày 30/4/1975, xe húc vào cổng phụ của Dinh Độc Lập. Bị chết máy, đồng chí Đại đội trưởng Đại đội 4 Bùi Quang Thận, chỉ huy xe tăng 843, nhảy ra khỏi xe và cắm lá cờ lên nóc Dinh Độc Lập. Đây là sự kiện đánh dấu thời khắc chiến thắng vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. |
|
3. Được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo vật quốc gia - Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh là một tư liệu lịch sử đặc biệt gắn với công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mùa xuân năm 1975. |
|
Tấm bản đồ này dài 185,5 cm, rộng 170 cm, được các cán bộ Phòng Tác chiến, Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng cán bộ tác chiến Bộ Tổng Tham mưu thực hiện từ ngày 15 đến 21/4/1975 tại Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, đóng tại Tà Thiết, Lộc Ninh. |
|
Tấm bản đồ được phê duyệt lần cuối ngày 22/4/1975. Phía trên bản đồ lịch sử có dòng chữ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Các mũi tên màu đỏ trong bản đồ thể hiện hướng tiến công của các quân, binh chủng, các đơn vị vào giải phóng Sài Gòn – Gia Định. |
|
Có thể nói, bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh là hiện vật thể hiện thành quả lao động sáng tạo, tập trung trí tuệ của Bộ chỉ huy Chiến dịch, là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển và thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. |
Mời quý độc giả xem video: Những Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình. Nguồn: Truyền hình Nhân Dân.