Bình luận

Cán bộ suy thoái, biến chất chính là lỗ hổng trong quản lý

Nói về khởi tố 2 cựu lãnh đạo ở Đà Nẵng, PGS.TS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, khi cán bộ suy thoái, biến chất đồng nghĩa vai trò của quản lý Nhà nước bị triệt tiêu.
công chức

Ai dám cãi lại lãnh đạo?

Tối 17/4, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã công bố lệnh khởi tố 2 cựu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Thông tin này gây xôn xao trong dư luận cán bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng. Việc cán bộ lãnh đạo tự ý bán, chuyển nhượng đất công không qua đấu giá, gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng của Nhà nước cho thấy lỗ hổng nào trong quản lý điều hành thưa ông?

Người ta hay đặt vấn đề về lỗ hổng quản lý mỗi khi xảy ra những sự việc tương tự liên quan đến cán bộ. Rằng quản lý như thế nào để cán bộ tự tung tự tác như thế, lỗ hổng nào để cán bộ có thể sai phạm nghiêm trọng như thế mà vẫn không bị xử lý gì trong một thời gian dài? Thực ra phải nhìn nhận bản chất vấn đề ở đây, cán bộ chính là chủ thể quản lý. Quản lý Nhà nước là các hoạt động do cán bộ làm, cán bộ quyết định, nắm giữ. Khi cán bộ suy thoái đạo đức, bị đồng tiền chi phối làm mờ mắt, nhúng tay vào tiêu cực, thì cũng đồng nghĩa là vai trò quản lý Nhà nước đã bị triệt tiêu rồi.

Nhưng trong quản lý, một người đâu thể quyết định được mọi chuyện?

Đúng thế, nhưng nếu lãnh đạo là người nhúng chàm, cố tình vi phạm pháp luật, tham nhũng vơ vét, thì liệu có nhân viên nào dám lên tiếng? Chuyện lãnh đạo khống chế toàn bộ cấp dưới không phải là hiếm. Ông ấy nói doanh nghiệp này tốt, đóng góp nhiều, nên tạo điều kiện, thế thì ai dám cãi lại? Lãnh đạo bảo sao thì cấp dưới phải nghe theo thế chứ có mấy khi dám đi ngược lại.

Thế vai trò giám sát của các cơ quan khác đâu?

Bấy lâu nay, vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, mặt trận cũng như các tổ chức thành viên của ta còn yếu kém nếu không muốn nói là chưa làm được gì nhiều. Có thể giám sát được nhân viên, giám sát chỉ đạo được cán bộ bình thường, chứ không mấy khi giám sát được cán bộ lãnh đạo. Và dù có tìm ra, có yêu cầu làm rõ, thì lãnh đạo chỉ đạo phải che lấp đi, không được nói đến, thì đương nhiên cũng không ai dám khơi ra. Tiếng nói của lãnh đạo nặng lắm chứ.

Thế nghĩa là nếu cán bộ lãnh đạo mà tha hóa thì chúng ta chịu không làm gì được?

Chỉ trừ khi ta có bằng chứng phát hiện ra sai phạm mười mươi, rõ ràng thì mới làm được, còn không thì rất khó. Chuyện bán đất công, tài sản công với giá bèo thì ở Hà Nội có, TP HCM cũng có, địa phương nào cũng có thể có, nhưng ta không tìm ra, ít khi có bằng chứng là bởi quyền lực ở trong tay lãnh đạo cả. Đó là lý do khiến tài sản công thất thoát mà rất khó xử lý người vi phạm.

Xử lý hết, lấy cán bộ đâu mà làm

Như ông nói, tình trạng bán tài sản công với giá rẻ không phải là hiếm, chúng ta biết thế, sao lại không làm được triệt để?

Nói như lời một vị cựu cán bộ là nếu xử lý hết thì lấy cán bộ đâu mà làm. Để chuyển giao đất cho doanh nghiệp với giá rẻ, chắc chắn cán bộ phải có phần trong đó. Ai cũng thừa hiểu giá thị trường thế nào, chênh lệch bao nhiêu, chỉ không biết chia chác thế nào.

Chắc chỉ người trong cuộc là biết?

Đáng lẽ giá đất 10 triệu đồng/mét vuông thì chỉ bán cho doanh nghiệp giá  8 triệu đồng/mét vuông thôi. 2 triệu còn lại thì ăn chia, nhiều khi người mua cũng không “ăn” được bao nhiêu đâu. Việc chia chác lợi nhuận giờ họ khôn lắm, không để lại dấu vết đâu. Không có bằng chứng cụ thể thì tòa án cũng chịu đấy.

Trong những dự án mua bán đất xảy ra sai phạm ở Đà Nẵng, có dự án chênh lệch đến 500 tỉ đồng. Một số tiền quá lớn như vậy, thất thoát cho ngân sách cũng quá lớn như thế, mà không phát hiện?

Đó là do tiêu cực và khi cán bộ đã cố tình sai phạm thì nó thường là cả một đường dây. Một người không “ăn một mình” được mà nó phải là cả một “chuỗi” những cán bộ khác cũng cùng tham gia cấu kết ăn chia. Đường dây ấy có thể có cả lực lượng thanh tra. Đã từng có những cán bộ của Thanh tra Chính phủ bị xử lý vì những sai phạm như bao che, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động thanh tra rồi. Do đó, chỉ có chuyện người ta biết mà không nói, chứ không có chuyện không biết.

Làm thế nào để kiểm soát việc cán bộ có tha hóa hay không, có sai phạm không?

Khi quyền lực bị lạm dụng, bị tha hóa thì phải có quyền lực để giám sát. Phải có cơ chế để khi một cán bộ tha hóa phải xử lý ngay, không để tha hóa theo cả một “đường dây” và không để những kẻ xấu cấu kết lại. Tuy vậy, kiểm soát được vẫn là điều khó.

Giải pháp chữa cháy

Cán bộ tha hóa đã là nguy hiểm, cán bộ lãnh đạo tha hóa lại càng nguy hại hơn. Theo ông thì có giải pháp nào để ngăn cán bộ thoái hóa biến chất?

Giải pháp có nhiều và chúng ta cũng đang rất quyết liệt xử lý cán bộ vi phạm. Điều này phần nào đó cũng giúp hạn chế tình trạng cán bộ thoái hóa, tiêu cực, tham nhũng. Giải pháp đưa ra như giáo dục tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, xiết lại quy trình bổ nhiệm, công khai công tác cán bộ, bỏ phiếu tín nhiệm tại nơi công tác, uân chuyển cán bộ… Tất cả những giải pháp này “cơ chế thỏa thuận”.

Có một kiểu cơ chế đặc biệt sao thưa ông?

Không ai nói ra, nhưng “cơ chế thỏa thuận” này ai cũng biết. Tôi giúp anh, anh cũng phải tạo điều kiện cho tôi thế nào chứ. Tôi sắp về hưu, anh muốn thế chỗ tôi, phải thế nào chứ. Anh muốn lên chức, muốn đưa người nhà vào làm cán bộ, anh phải thế nào chứ! Đấy, tất cả đều là “cơ chế thỏa thuận”. Người ta mặc nhiên thỏa thuận với nhau, không ai nói ra, nhưng ai cũng biết. Muốn lên chức mà không “quan hệ”, không “chạy chọt” thì đừng mong được cất nhắc, cứ ngồi yên đấy!

Gần đây chúng ta chống tham nhũng khá quyết liệt, hẳn là cũng khắc phục được phần nào những bất cập ông vừa nêu?

Thực ra những sai phạm này kéo dài đã lâu và người dân cũng nhìn thấy nhưng chưa làm quyết liệt. Bây giờ Đảng và Nhà nước làm quyết liệt, đưa những người đã về hưu ra để điều tra và khởi tố là việc làm hợp lòng dân và tạo niềm tin đối với nhân dân. Việc khởi tố hàng loạt cán bộ chủ chốt của thành phố Đà Nẵng đã chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng đến cùng và không có khái niệm về hưu là xong chuyện hay hạ cánh an toàn. Đây cũng là sự răn đe đối với cán bộ lãnh đạo đương chức.

Xin cảm ơn ông!

Tối 17/4, Bộ Công an thông tin đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Minh (SN 1955), nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011 và ông Văn Hữu Chiến (SN 1954), nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2011-2014, về các hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại và Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.

Trong số 2 dự án đang được Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện, 9 dự án và 31 nhà công sản đang bị cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra liên quan đến Vũ “nhôm”, phần lớn đều có chữ ký của ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến. Kết luận Thanh tra Chính phủ năm 2013 nêu trường hợp khu đất cuối đường Phạm Văn Đồng. Năm 2006 UBND TP Đà Nẵng chuyển nhượng lô đất này cho ông Hoàng Hải và bà Lâm Thị Trung Ngọc với giá 84 tỷ đồng. Hai năm sau, ông Hải và bà Ngọc uỷ quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan với giá hơn 580 tỷ đồng. Sau đó, ông Quan tiếp tục chuyển nhượng lô đất trên cho Công ty cổ phần địa ốc Phương Trang 585 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong khoảng 2 năm, những người bán lô đất trên đã thu lợi 500 tỷ đồng.

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP