Dinh dưỡng học đường

Cân bằng dinh dưỡng kết hợp thể dục thể thao

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Chiều cao của trẻ phụ thuộc 20% vào di truyền, dinh dưỡng và môi trường chiếm 80%.

Theo các chuyên gia, nếu trong suốt quá trình mang thai và thời gian cho con bú, người mẹ được ăn uống, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất quan trọng, thiết yếu theo nhu cầu cơ thể thì lớn lên trẻ sẽ khỏe mạnh, phát triển toàn diện, cao lớn. Tùy từng giai đoạn phát triển mà cơ thể trẻ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Khá nhiều bậc cha mẹ mắc sai lầm về việc cân bằng giữa các nhóm dưỡng chất, cho trẻ ăn nhiều đạm, chất béo và bột đường nhưng lại thiếu vitamin, chất khoáng khiến trẻ dễ bị thừa cân, béo phì. Và chính tình trạng thừa cân khiến trẻ phải giảm ăn để hạn chế tăng cân, ảnh hưởng đến thể lực và chiều cao sau này của trẻ. ở một số gia đình, việc chăm sóc con quá kỹ, hạn chế con chơi đùa ngoài trời, tạo thói quen không tốt  khiến trẻ lười vận động, ảnh hưởng quá trình phát triển xương.

Theo GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng QG, quyết định chiều cao gồm hai nhóm yếu tố chính: Các yếu tố trước khi sinh bao gồm cả yếu tố bên trong (tức là gen) và các yếu tố ngoại cảnh. Đến nay, giới khoa học vẫn tiếp tục tranh luận sự khác biệt chiều cao của các dân tộc khác nhau, nhất là quan điểm cho rằng, chủ yếu do di truyền và quan điểm kia cho rằng, do tác động từ các yếu tố ngoại cảnh. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sinh học đều thống nhất là sự tăng trưởng của cơ thể chịu ảnh hưởng của cả yếu tố di truyền và ngoại cảnh, đặc biệt là dinh dưỡng.

Trẻ độ tuổi đi học rất cần nguồn thực phẩm giàu vitamin, chất xơ và các dưỡng chất thiết yếu khác. Các loại rau màu xanh đậm nên ưu tiên trong mỗi thực đơn của trẻ, vừa giúp cung cấp canxi, vừa giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Các loại đậu, ngũ cốc chứa rất nhiều vitamin,  khoáng chất và canxi giúp trẻ cao lớn, khỏe mạnh. Sữa và chế phẩm từ sữa không thể thiếu, giúp cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động trong ngày của trẻ, giúp bổ sung canxi cho trẻ cao lớn, tốt cho trí não và sự phát triển cơ bắp của trẻ.

Ngoài ra, trẻ cần được luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, tăng độ dẻo dai, tạo thành thói quen để tiêu hao mỡ dư thừa.  Luyện tập thể dục thể thao cũng là thói quen tốt giúp trẻ năng động, hoạt bát, phòng tránh các bệnh không lây như tim mạch, huyết áp, tiểu đường sau này.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP