Vấn đề - Sự kiện

Cái nhãn hàng hóa

Nhãn hàng hóa nhiều khi chẳng thể tin được. Nhãn mác dễ mua, ai muốn dán thế nào thì dán, chỉ là thứ trang trí chứ không có giá trị gì nữa.

Nhãn hàng hóa (ảnh minh họa).

Sáng đi chợ sớm, nhiều người mới đang dọn hàng. Tôi thấy một chị bán hoa quả đang lúi húi dán nhãn hàng hóa vào những quả táo. Ô thế hóa ra những cái nhãn dán táo Úc, táo New Zealand, táo Mỹ, lê Nam Phi… ấy tưởng là phải được dán từ nơi sản xuất, hóa ra lại được người bán hàng dán. Vậy thì họ muốn dán nhãn gì thì dán, muốn gán cho là hoa quả của nước nào là thành ra thế hay sao?

Trước đây vẫn nghĩ có tem nhãn là yên tâm hàng có nguồn gốc, ít ra chắc cũng được kiểm tra, cấp phép rõ ràng. Nhưng chẳng phải, xem truyền hình, thấy người ta mua bán tem dễ như hình dán của trẻ con, muốn loại nào có loại đó. Rồi hôm nay tận mắt thấy người bán hàng tự dán nhãn, thấy mất lòng tin quá.

Nhãn hàng hóa là những thông tin về nguồn gốc sản phẩm đó, nó phải chính xác, trung thực thì mới có giá trị. Đằng này, tem nhãn dễ mua, ai muốn dán thế nào thì dán, chỉ là thứ trang trí chứ không có giá trị gì nữa. Vậy giờ biết dựa vào đâu để đặt niềm tin?

Nghĩ đi nghĩ lại, thật ra lâu nay ra chợ mua bán mình thường đặt lòng tin vào những thứ rất mơ hồ. Mua hàng quen, người quen, người ta bảo lợn nhà nuôi, rau trồng nhà lưới, gạo không có hóa chất bảo quản, thì biết thế, tin thế. Chứ thực ra có phải thế không thì khó mà kiểm chứng.

Quả là cũng có những người bán hàng thật thà, rau nào của nhà trồng thì bảo của nhà, quả của Việt Nam thì nói của Việt Nam, cái nào của Trung Quốc thì bảo của Trung Quốc.

Cùng một loại cà chua hồng căng tròn, ra hàng cái chị quen ấy thì chị bảo của Trung Quốc đấy, chứ mùa này cà chua của mình xấu mã lắm. Trong khi đó, ra một hàng khác, chị bán hàng lại nhanh nhảu giới thiệu là cà chua Đà Lạt.

Hay như đợt vừa rồi, dân tình đua nhau mua loại nho chùm to, quả tròn được người bán bảo là nho Ninh Thuận. Ăn chán rồi mới ngã ngửa ra là nho Trung Quốc.

Không chỉ chuyện chợ búa, mà ngay cả trong cuộc sống cũng vậy, những cái nhãn mác nhiều khi chẳng thể tin được.

Tiến sĩ, thạc sĩ nhiều khi chỉ là cái nhãn hàng hóa để thăng tiến, trong khi chả có đóng góp gì cho đời. Tôi cứ tự hỏi tại sao tiến sĩ, thạc sĩ nhiều thế mà vẫn để cho những người nông dân phải sáng chế ra đủ thứ máy móc, vẫn phải tự xoay xở trồng cây gì, nuôi con gì, bán ở đâu…

Minh Anh

BẢN DESKTOP