Khám phá

Cái chết oan khiên của Thái úy Đỗ Kính Tu

Là một đại thần có công phò tá các vua triều Lý trong buổi dựng xây cơ nghiệp, Đỗ Kính Tu được xếp vào hàng “những người phò tá có công lao tài đức”, nhưng vì gian thần sàm tấu đã gây nên cái chết oan khiên của Thái úy Đỗ Kính Tu.

Đình Hậu Ái (Hoài Đức, Hà Nội) nơi thờ Đỗ Kính Tu.

Cảm thông với quân nổi loạn

Đỗ Kính Tu (chưa rõ năm sinh, năm mất) một đại thần nhà Lý, sinh ra trong một gia đình nho học tại thôn Hậu Ái, tổng Phương Canh, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông (nay là xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội); 13 tuổi đã đỗ Tú tài kỳ thi Hương; 18 tuổi, khi triều đình mở khoa thi võ, ông đỗ Phong Võ chức.

Năm 23 tuổi, Đỗ Kính Tu đỗ đầu khoa thi Tam giáo và được vua phong chức Hàn lâm viện Đại học sĩ kiêm Võ sư; sau đó, được phong nhiều chức như Thái úy, Thái phó (Tể tướng), Đế Sư, Thái bảo…

Ông đậu Thái học sinh (từ sau triều Trần trở đi đổi thành Tiến sĩ). Tuy nhiên ngay trong Từ Liêm khoa mục chí cũng chưa chỉ rõ được khoa ông đỗ là năm nào, chỉ biết theo liệt kê, ông là vị tiến sĩ đầu tiên trong vùng. Làng Vân Canh có tới 12 ông tiến sĩ (không kể Lý Trần Thản) trong số 113 vị tiến sĩ của Từ Liêm và trên 525 tiến sĩ của đất Thăng Long.

Mùa xuân năm 1204, Đỗ Kính Tu được giao cầm quân đi đánh bọn nổi loạn ở Đại Hoàng (nay thuộc thành phố Nam Định) nhưng không được, do cầm đầu cuộc nổi loạn là Phi Long vốn là một quan chức của triều đình, từng vạch tội thái úy Đàm Dĩ Mông đục khoét của dân nên bị viên quan này âm mưu sát hại. Phi Long trốn về quê ở vùng Đại Hoàng rồi cùng dân chúng khởi nghĩa.

Khi Đỗ Kính Tu đem quân tới, Phi Long ra trước ngựa phân trần. Cảm thông với hoàn cảnh của Phi Long, Đỗ Kính Tu giao chiến chiếu lệ rồi thu quân, việc này đã mang lại hậu họa cho ông.

Người phò tá có công lao, tài đức

Chính sử cho biết Đỗ Kính Tu là thế hệ nối tiếp của Thái úy Tô Hiến Thành. Nếu Tô Hiến Thành nhận di chiếu của Lý Anh Tông lập Lý Long Trát làm vua, tức Lý Cao Tông thì Đỗ Kính Tu nhận di chiếu của vua Lý Cao Tông lập Lý Hạo Sảm làm vua, tức Lý Huệ Tông. Năm 1210, trước khi mất, Lý Cao Tông cho gọi Đỗ Kính Tu để ký thác. Đỗ Kính Tu phò Thái tử Sảm lên ngôi, tức vua Lý Huệ Tông.

Là một đại thần có công phò tá các vua triều Lý trong buổi dựng xây cơ nghiệp, Đỗ Kính Tu được ban quốc tính, nên trong sử sách ông còn được gọi là Lý Kính Tu. Theo nhà sử học Phan Huy Chú, thời Lý chỉ có bốn người được xếp vào hàng “những người phò tá có công lao tài đức”, trong đó có Đỗ Kính Tu.

Trong cuộc đời quan lộ, vì thương dân trong vùng bị lụt lội, mất mùa triền miên, Lý Kính Tu đứng ra liên lạc với các làng rồi thống nhất cho đào con ngòi Hương Khê để thoát lũ (từ Đồng Chầm thuộc thôn Hậu Ái) qua địa phận các thôn Kim Hoàng, An Trai, Thị Cấm đến cửa chùa Linh Ứng rồi đổ vào dòng sông Nhuệ.

Vì việc này bọn gian thần sàm tấu cho rằng ông có ý đồ thoán nghịch, đã đào ngòi để luyện tập thuỷ quân. Ông bị nhà vua khép tội và cho tự liệu (theo Từ Liêm khoa mục chí), nhưng theo sách Việt Nam nhân vật lịch sử, thì ông phẫn uất nên tự vẫn.

Còn lưu truyền huyền thoại, trước lúc ông lên ngựa để phi ra sông Hồng (quãng Thượng Cát bây giờ) ông đã gọi đủ bảy người gồm vợ và thê thiếp, khuyên họ khi ông chết nên tái giá vì họ còn trẻ, nhưng cả bảy người không nghe và họ đã tuẫn tiết trước ngựa của ông. Ở thôn Hậu Ái bây giờ còn miếu thờ bảy nàng, không xa mộ của ông là mấy (đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử).

(còn nữa)

TS Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP