Khám phá

Cách trữ thực phẩm không ảnh hưởng sức khoẻ

Theo các chuyên gia, trữ thực phẩm không đúng cách cũng là tác nhân làm tăng độc tố ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Điều chỉnh nhiệt độ đúng khi trữ thực phẩm
Theo ghi nhận của KH&ĐS tại một số chợ như Trung Yên, Nghĩa Tân, Bưởi, Phú Đô hay một số siêu thị như Big C, Fivimart, Vinmart… người dân mua bán khá tấp nập. Các mặt hàng đồ khô, đồ dự trữ hút khách như lạc nhân, cá khô, tôm khô… Đồ tươi sống cũng là mặt hàng được mua để tích trữ như thịt lợn, cá biển, rau củ quả, trứng do lo lắng sẽ tăng giá sau mỗi đợt mưa bão.

Bà Phạm Thu Hà (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, bà mua dự trữ sẵn 5kg thịt lợn, 5kg cá biển cùng rất nhiều rau củ tươi, để chật ních tủ lạnh, phòng trừ mưa bão không đi chợ được, hoặc sau bão giá tăng cao. Tất cả đồ tươi sống mua về bà để vào tủ lạnh, thịt thì cho lên ngăn đá trữ đông ăn dần.

Tuy nhiên, ThS Trương Lan Hương, Viện Công nghệ Thực phẩm cho biết, nhiều bà nội trợ hay có thói quen mua nhiều thực phẩm để dự trữ trong tủ đông nhiều ngày. Thế nhưng, không phải thực phẩm nào cũng có thể trữ đông theo ý thích. Nếu muốn tích trữ thực phẩm ăn dài ngày thì phải hiểu các nguyên tắc của trữ đông và tùy từng loại thực phẩm mà có cách xử lý riêng.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/tru-thuc-pham-pham-khong-tang-doc-to1.jpg

Ảnh minh họa.

“Muốn trữ đông thực phẩm dài ngày thì phải chọn đúng mức nhiệt độ tủ lạnh để đảm bảo thực phẩm không bị vi khuẩn xâm nhập. Thịt nên được gói chặt trong hộp/túi kín khí trước khi đông lạnh. Nếu đúng nhiệt độ, thịt có thể trữ được vài tháng. Thời gian đông lạnh và trữ ngăn mát an toàn phụ thuộc vào nhiệt độ tủ.

Đối với đông lạnh, nhiệt độ lý tưởng là -17ºC. Nhiệt độ này sẽ giúp thực phẩm tươi và giữ lại chất dinh dưỡng. Ngăn mát nên ở khoảng 1 – 2ºC để kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm. Để mức nhiệt độ quá thấp ở ngăn mát có thể làm hỏng rau củ hay để nhiệt độ quá cao ở ngăn đông lạnh sẽ làm thực phẩm dễ bị vi khuẩn xâm nhập”, ThS Trương Lan Hương cho biết thêm.

Theo các chuyên gia, khi bảo quản đồ còn lại sau mỗi bữa ăn, bạn nên cho chúng vào hộp nhựa có nắp đậy. Bạn cũng có thể dùng màng bọc để làm kín thực phẩm. Điều này sẽ ngăn khí trong tủ bám vào thức ăn, khiến chúng biến chất và gây hại đến sức khoẻ.

Đặt đúng vị trí
TS Nguyễn Việt Dũng, chuyên gia về công nghệ nhiệt lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, do cơ chế hoạt động của từng loại tủ, mà khí lạnh tỏa ra ở mỗi ngăn là khác nhau. Muốn tích trữ thực phẩm trong tủ đúng cách thì phải để thực phẩm đúng các vị trí phù hợp với nhiệt độ.

Ở ngăn mát, ngăn dưới cùng sẽ là nơi lạnh nhất, thích hợp để đặt khay rau, trái cây hoặc các loại củ. Khu vực phía cửa tủ thường ấm hơn, tuy nhiên nhiều người có thói quen trữ trứng, sữa ở đó, nhưng không biết rằng nơi này không đủ điều kiện để bảo quản sản phẩm tốt nhất. Hãy đặt những đồ đóng hộp, lâu hỏng như nước soda hay gia vị tại vị trí này.

Để các loại thực phẩm như sữa, nước đóng hộp, thực phẩm đóng hộp, các hộp đựng thức ăn còn thừa… lên các ngăn trên cùng là nơi có nhiệt độ cao hơn. Bạn có thể kiểm tra chính xác bằng cách đặt nhiệt kế bên trong.

Khi để thực phẩm trong tủ lạnh nên bao bọc kỹ, tránh tình trạng để vi khuẩn lây nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm. Hầu hết các loại rau cần được giữ khô ráo khi để trong tủ lạnh để tránh độ ẩm, đẩy nhanh quá trình hư hỏng.

Cũng theo các chuyên gia, không phải tất cả đồ ăn đều được bảo quản tốt nhất trong tủ lạnh, Không nên để khoai tây trong tủ lạnh, vì tinh bột trong khoai sẽ chuyển đổi thành đường gây mất dưỡng chất và khó ăn hơn.

Chuối, cơm, cà chua, hành, tỏi, tương ớt… là những thực phẩm không nên bảo quản trong tủ lạnh. Rau củ thối thường giải phóng khí ethylene rất có hại cho sức khoẻ, bởi vậy chúng cần được loại ngay khỏi tủ khi bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP