Khoa học & Công nghệ

Cách tiết kiệm điện điều hòa của người thông minh

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Sử dụng điều hòa vào những ngày nắng nóng khiến hóa đơn tiền điện tăng lên đáng kể. Bằng cách sử dụng thông minh, bạn có thể tiết kiệm được kha khá tiền điện.

Bật quạt gió tự động

Theo KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ Thuật Quân sự, nhiều người có thói quen chỉnh quạt gió thổi mạnh hướng về 1 vị trí cố định để lấy được nhiều hơi lạnh, nhưng như vậy sẽ vừa lãng phí lại không tốt cho sức khỏe. Để tạo ra không khí mát cho khắp phòng, hãy bật chế độ quạt gió tự động, khi đó gió sẽ thổi lên xuống, trái phải đều khắp căn phòng và tiết kiệm điện vì công suất thổi tự động của quạt nhỏ hơn các chế độ khác.

Sau bước khởi động máy, không nên chọn nhiệt độ quá thấp. Nhiệt độ càng thấp sẽ khiến máy càng phải đẩy hoạt động của động cơ lên cao hơn, điện năng tiêu thụ cũng nhiều hơn. Hãy duy trì nhiệt độ phòng ở mức hợp lý, đủ để bạn cảm thấy mát chứ không phải quá lạnh, điều này vừa giúp máy tiết kiệm điện, vừa bảo vệ sức khỏe. ​Chỉ nên đặt điều hòa ờ mức từ 25-27 độ C. Đây là mức nhiệt phù hợp với khí hậu của Việt Nam. 

Vệ sinh bộ lọc không khí

Lưới lọc vệ sinh, tháo lắp khá dễ dàng, tuy nhiên tùy thuộc vào chất liệu cũng như khuyến cáo riêng của từng hãng mà bạn vệ sinh đúng cách để đảm bảo an toàn. Thông thường ta sử dụng nước lạnh để rửa nhẹ và không được sấy vì có thể làm chúng biến dạng. Khi phun nước rửa cũng lưu ý phun mặt phải để những bụi bẩn rơi ra từ mặt trái của lưới lọc... Bạn có thể tự vệ sinh thường xuyên tấm phin lọc này.

Cần vệ sinh và bảo quản máy lạnh thường xuyên để giúp loại sạch bụi bẩn, giảm ma sát, tắc nghẽn đường hút và thổi gió của điều hòa. Bụi bẩn chính là nguyên nhân trong hầu hết các trường hợp điều hòa giảm hiệu suất hoạt động, khiến máy phải hoạt động với công suất cao hơn, tiêu tốn nhiều điện năng hơn. Nên vệ sinh, làm sạch máy thường xuyên (khoảng 6 tháng/lần).

Cách đơn giản nhất để giảm tải cho máy lạnh, điều hòa đó chính là ngăn cản nắng chiếu trực tiếp lên dàn nóng. Với cách này bạn có thể giảm nguy cơ dàn nóng ngưng hoạt động vì nhiệt độ ngoài trời quá cao, máy hoạt động quá tải và  giúp tiết kiệm điện. Ngoài ra, việc lắp đặt dàn nóng ở nơi tránh mưa, nắng trực tiếp nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng cũng chính là cách giúp tăng tuổi thọ cho thiết bị.

Bật tắt máy hợp lý

Để tiết kiệm điện, sau khi tắt điều hòa thì có thể ngắt luôn aptomat (công tắc nguồn điện vào máy). Việc ngắt điện vào máy còn để phòng tránh các trường hợp chập điện, gây hư hỏng cho máy. Không nên bật, tắt máy nhiều lần trong ngày. Nhiều người thường có thói quen khi phòng đã đủ độ lạnh thì tắt điều hòa đi cho đến khi cảm thấy nóng thì bật máy lên lại để tiết kiệm điện. Tuy nhiên, cách này hoàn toàn sai lầm, khiến máy tiêu thụ nhiều điện hơn vì phải khởi động và làm lạnh lại từ đầu. Hãy luôn bật máy và tắt trước khi định ra ngoài khoảng 30 phút là hợp lý.

Không nên bật điều hòa cả ngày. Hãy sử dụng chế độ hẹn giờ để lựa chọn thời gian tắt, nhất là vào lúc khuya khi bạn đã ngủ.

Hiện nhiều điều hòa có chế độ ngủ đêm. Chức năng này thực chất là hỗ trợ tăng dần nhiệt độ (thường mỗi giờ máy sẽ tăng 0.5 độ và tối đa là 2 độ C) để tránh cho người dùng tỉnh giấc về đêm do lạnh. Khi máy tăng nhiệt độ cũng đồng nghĩa với công suất hoạt động giảm và tiết kiệm điện hơn.

Chênh lệch nhiệt độ càng thấp càng tiết kiệm điện. Việc bật chế độ quạt gió kèm với cài đặt nhiệt độ cao là cách tốt nhất để vẫn đạt hiệu quả làm mát, lại tiết kiệm điện năng.

Hà Bình

Hà Bình

BẢN DESKTOP