Chữa bệnh không dùng thuốc

Cách tập để phục hồi khớp vai “đông cứng” hoạt động trở lại

  • Tác giả : Thúy Nga
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là bệnh lý gây đau, hạn chế vận động khớp vai làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Các bài tập vận động khớp vai giúp cải thiện tình trạng bệnh và trả lại đời sống sinh hoạt bình thường.

Dễ gây tàn phế

TS. BS Vũ Thị Thanh Hoa, Khoa Nội Cơ Xương Khớp (A17), Bệnh viện TƯ quân đội 108 cho biết, viêm quanh khớp vai thể đông cứng thường gặp ở người từ 40- 60 tuổi, cả nam và nữ, đứng hàng hai trong nhóm bệnh lý viêm quanh khớp vai.

Nguyên nhân của tình trạng này là do dính bao khớp ổ chảo - cánh tay, không có tổn thương sụn và xương vùng khớp vai, không do chấn thương mới, không do vi khuẩn.

Triệu chứng lâm sàng của tình trạng viêm quanh khớp vai thể đông cứng thường được chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Đau khớp vai (vài tuần đến 6 tháng)

Người bệnh bị đau khớp vai kiểu viêm, đau liên tục cả ngày, tăng lên khi vận động và nửa đêm về sáng, dù nghỉ ngơi cũng không đỡ đau; ban đầu đau âm ỉ nhẹ sau đau tăng dần, có thể khiến người bệnh mất ngủ. Hạn chế vận động khớp vai tăng dần, người bệnh không thể chải đầu, gãi lưng, đưa tay ra trước, sau đều hạn chế. Từ đó gây suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Giai đoạn 2: Khớp vai đông cứng (thường đau vai tiến triển trên 6 tháng)

Tình trạng đau khớp vai tiến triển, người bệnh không thể nâng tay lên hay dang tay, không với tay lấy đồ được, giảm chức năng vận động nghiêm trọng.

Giai đoạn 3: Tan đông (6-9 tháng)

Cách tập để phục hồi khớp vai “đông cứng” hoạt động trở lại ảnh 1

Cách tập để phục hồi khớp vai “đông cứng” hoạt động trở lại

Tầm vận động của khớp vai tăng dần nhưng chậm trong nhiều tháng có khi đến hàng năm, hoàn toàn tùy thuộc vào việc chăm chỉ luyện tập các động tác cho khớp vai đông cứng của người bệnh.

Khả năng vận động khớp vai tăng thì cảm giác đau lại trở lại mỗi khi người bệnh cử động khớp vai, tuy nhiên thường chỉ tăng đau trong tuần đầu tập vận động khớp vai theo bài hướng dẫn của chuyên khoa.

Sau đó mức độ đau khớp vai sẽ giảm dần, tình trạng đau nhức về đêm cũng giảm rõ rệt giúp người bệnh ngủ tốt hơn. Khi khả năng vận động khớp vai trở về bình thường thì đau nhẹ khi vận động còn kéo dài thêm một vài tháng.

Kiên trì tập luyện để phục hồi

Theo CN Nguyễn Thị Thùy Linh và Nguyễn Thị Thúy Nga - Khoa Nội Cơ Xương Khớp (A17), để cải thiện vận động khớp vai ở bệnh nhân viêm quanh khớp vai thể đông cứng các bài tập vật lý trị liệu, đặc biệt là các bài tập phục hồi chức năng khớp vai ở giai đoạn sau can thiệp tiêm nong tại chỗ là rất quan trọng. Dưới đây là 2 bài tập khá hiệu quả cho các người bệnh bị đông cứng khớp vai:

Bài tập con lắc

Tác dụng: giúp bóc tách các điểm dính của bao khớp và gây dãn bao khớp vai, giúp cải thiện tầm vận động của khớp vai.

Thực hiện: Bệnh nhân nằm sấp trên giường, vai của bệnh nhân chìa ra ngoài thành giường. Tay cầm quả tạ trọng lượng 1kg đung đưa con lắc theo chiều dọc rồi sau đó theo chiều ngang với thân mình.

Chú ý khi đung đưa, khớp vai vẫn thư giãn. Mỗi động tác đưa ngang hoặc đưa dọc làm tối thiểu 30 lần hoặc tập cho đến khi thấy đau nhiều ở khớp vai thì ngưng. Mỗi ngày tập 2 lần với bài vận động này.

Bài tập theo tầm vận động của khớp vai

Tác dụng: Cải thiện tầm vận động khớp vai của bệnh nhân.

Thực hiện: Bệnh nhân đứng thẳng hoặc nằm ngửa, dùng tay không đau đỡ tay đau từ từ đưa tay đau lên theo dọc thân người sao cho khuỷu tay luôn để thẳng, tiếp theo đưa tay vào trong áp sát vào thành ngực, rồi đưa tay còn lại ra ngoài vuông góc với thân người.

Ở bài tập này người bệnh có thể dùng dụng cụ kết hợp: Người bệnh đứng hoặc ngồi 2 tay nắm vào 2 đầu của một chiếc khăn mặt dài, sau đó vòng tay qua đầu ra sau lưng, 1 tay bên trên một tay bên dưới, dùng sức kéo căng khăn mặt.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP