Táo bón là tình trạng rất thường gặp ở trẻ em và làm gia đình lo lắng. Tuy nhiên đa số các trẻ bị táo bón là do rối loạn chức năng, chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn, sinh hoạt hay dùng thuốc là đủ. Một số ít trường hợp trẻ táo bón do nguyên nhân bất thường bẩm sinh cần can thiệp phẫu thuật.
Khi nào được gọi là táo bón?
Là khi số lần đi tiêu ít hơn bình thường hoặc dưới 3 lần/tuần, phân cứng chắc, cảm giác khó chịu hay đau đớn khi đi tiêu.
Nguyên nhân gây táo bón Được chia làm 2 nhóm chính: nội khoa và ngoại khoa.
Nội khoa: Táo bón chức năng: do trẻ nhịn đi cầu, chế độ ăn không phù hợp, ít chất xơ, thiếu nước, ít vận động...; Do bệnh lý nội khoa: bệnh lý nội tiết (suy giáp, tiểu đường, hạ kali máu…), dị ứng đạm sữa bò, bệnh lý hệ thần kinh (bại não, chậm phát triển tâm thần, hội chứng chùm đuôi ngựa…).
Ngoại khoa: Bệnh phình đại tràng bẩm sinh, hay còn gọi là bệnh Hirschsprung: do sự thiếu hụt bẩm sinh các tế bào hạch thần kinh ở đại tràng, làm mất nhu động ruột dẫn đến tình trạng táo bón và ứ phân. Đây là nguyên nhân táo bón thường gặp nhất đòi hỏi phải can thiệp phẫu thuật.
Tại khoa Ngoại Tổng hợp – Bệnh viện Nhi Đồng 1, hàng năm khoảng 120 – 140 bệnh nhi mắc bệnh phình đại tràng bẩm sinh được phẫu thuật với những phương pháp điều trị tiên tiến.
Ngoài ra, bất thường bẩm sinh cần phẫu thuật còn có dị dạng hậu môn trực tràng (thường gặp nhất là hậu môn tầng sinh môn trước): hậu môn kích thước nhỏ và nằm lệch ra phía trước.
Nhiều trẻ táo bón kéo dài do phình đại tràng cần phải phẫu thuật |
Khi nào cần nghĩ đến bệnh phình đại tràng bẩm sinh?
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà triệu chứng phình đại tràng bẩm sinh có thể biểu hiện khác nhau:
- Đối với trẻ sơ sinh, có thể có những dấu hiệu ngay sau sinh như chậm đi tiêu phân su (đi tiêu sau 24 – 48 giờ sau sinh), bụng chướng và nôn ói.
- Đối với các trẻ lớn, thường biểu hiện với các triệu chứng như táo bón dai dẳng phải sử dụng thuốc nhuận tràng hay thụt tháo, phân không đóng khuôn, màu đen và có mùi rất thối, dễ đưa tới tình trạng viêm ruột tái phát. Bên cạnh đó, trẻ có thể có tình trạng suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất.
Phình đại tràng bẩm sinh nếu không được can thiệp điều trị sớm tình trạng phân bị tích tụ lâu ngày gây biến chứng làm cho trẻ bị “ngộ độc phân”, suy dinh dưỡng và chậm phát triển thể chất. Các hậu quả khác có thể gặp trên trẻ phình đại tràng bẩm sinh như vỡ đại tràng, viêm ruột hay ruột bị giãn nặng, trong đó viêm ruột là một biến chứng đáng sợ, là nguyên nhân chính làm cho bệnh trở nên trầm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Mặc dù không phải trẻ nào chậm đi tiêu phân su hay táo bón kéo dài đều là bệnh phình đại tràng bẩm sinh, tuy nhiên, đối với những trẻ táo bón kéo dài, đặc biệt là trẻ có chậm tiêu phân su lúc sinh,cần phải đưa trẻ đến khám tại các phòng khám Ngoại để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nhằm hạn chế các biến chứng có thể xảy ra ở trẻ bị phình đại tràng, từ đó giúp cho chất lượng cuộc sống của trẻ được tốt hơn.
Ths.Bs Phùng Nguyễn Việt Hưng (Khoa Ngoại Tổng Hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 1)