Y học và đời sống

Cách nhận biết suy thận mạn

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Bệnh thận mạn ít được phát hiện sớm, đa phần được phát hiện đã ở giai đoạn nặng. Vì vậy, cần đi kiểm tra định kỳ để tầm soát bệnh này, phát hiện sớm sẽ giúp cho có biện pháp dự phòng và điều trị để làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn tính.

16,8% người trưởng thành mắc bệnh

Một báo cáo của Mỹ cho thấy, 16,8% người trưởng thành (từ 20 tuổi trở lên) mắc bệnh thận mạn, hơn 500.000 bệnh nhân (BN) điều trị thận suy bằng lọc máu và ghép thận. Tỉ lệ hiện hành của BN bệnh thận mạn giai đoạn cuối (ESRD) ở Mỹ đang tăng lên, trong khi tỉ lệ mắc mới khá ổn định, điều đó cho thấy lượng BN ESRD tăng lên chủ yếu do tuổi thọ của các BN này ngày càng cao. Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu trên toàn quốc, tuy nhiên nghiên cứu theo từng vùng địa lý cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh thận mạn ngày càng tăng cao.

Một người được coi là mắc bệnh thận mạn khi có 1 trong 2 tiêu chuẩn:
1. Là tổn thương cấu trúc hoặc chức năng thận kéo dài trên 3 tháng, có kèm hoặc không kèm giảm GFR (mức lọc máu cầu thận), bao gồm tổn thương bệnh học thận (trên sinh thiết) hoặc bất thường trong xét nghiệm nước tiểu hoặc máu, hoặc trên chẩn đoán hình ảnh.

2. GFR nhỏ hơn 60ml/phút/ 1.73m2 kéo dài trên 3 tháng, có kèm hoặc không kèm tổn thương thận.
 Tổn thương thận có nhiều dấu ấn, tuy nhiên trên thực hành lâm sàng chủ yếu dựa vào albumin niệu, là dấu ấn để đánh giá tổn thương thận, gợi ý đến tình trạng có tổn thương ở cầu thận gây tăng khả năng thấm cầu thận và làm albumin bị lọc và có trong nước tiểu. Có thể đánh giá có albumin trong nước tiểu hay không bằng cách thu thập nước tiểu theo thời gian thường theo 24h, que nhúng hoặc phổ biến nhất là tỉ số albumin/creatinin niệu (ACR) mẫu nước tiểu ngẫu nhiên. ACR bình thường < 10mg/g.

Suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận mạn tính không hồi phục theo thời gian nhiều tháng, nhiều năm, do tổn thương không hồi phục về số lượng và chức năng của các nephron. Cần phân biệt rõ bệnh thận mạn tính và suy thận mạn tính. Khái niệm bệnh thận mạn tính đã bao hàm cả suy thận mạn. Như vậy khi 1 người được chẩn đoán bệnh thận mạn tính không đồng nghĩa với suy thận mạn, mà cần biết mình ở giai đoạn nào. Bệnh nhân chỉ được coi là suy thận mạn khi mắc bệnh thận mạn có mức lọc cầu thận < 60ml/phút tương ứng với bệnh thận mạn giai đoạn III, IV, và V.

Bệnh thận giai đoạn cuối hay bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối là giai đoạn nặng nhất của bệnh thận mạn. Các biểu hiện gặp trên lâm sàng là do hậu quả của tình trạng tích tụ các độc chất, nước và điện giải trong máu. Các độc tố này khi thận bình thường được thải qua thận. Hậu quả cuối cùng biểu hiện trên lâm sàng là hội chứng urê máu cao. Suy thận mạn giai đoạn cuối tương ứng với bệnh thận mạn tính giai đoạn 5 (mức lọc cầu thận < 15ml/phút,).

 Hội chứng urê máu cao: Là một hội chứng hay gặp trên lâm sàng khi mà lọc máu ngoài thận còn chưa phát triển. Ngày nay vẫn gặp bệnh nhân có hội chứng ure máu cao đặc biệt khi bệnh nhân đến ở giai suy thận nặng. Hội chứng urê máu cao là một hội chứng lâm sàng và cận lâm sàng, phản ánh tình trạng rối loạn chức năng của tất cả các cơ quan liên quan khi chức năng thận bị suy giảm cấp hoặc mạn. 
Nhiều lý do gây bệnh

 Nguyên nhân bệnh thận mạn: Ở Việt Nam nguyên nhân hàng đầu vẫn là bệnh cầu thận mạn các thể loại khác nhau, sau đó đến viêm thận bể thận mạn do sỏi, đái tháo đường, tăng huyết áp…Ở Mỹ, đái tháo đường (chiếm 40% ca mắc mới ESRD), tăng huyết áp (25% ca mắc mới), viêm cầu thận (10%), nguyên nhân khác: bệnh lý đường tiết niệu, thận đa nang, lupus, bệnh thận do thuốc giảm đau, không rõ nguyên nhân….
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn: Đái tháo đường,tăng huyết áp, Xơ vữa mạch, Suy tim, Bệnh tiết niệu: Bệnh thận –tiết niệu tắc nghẽn, bàng quang thần kinh, các bệnh dị dạng đường tiết niệu cần phẫu thuật, bệnh hệ thống gây tổn thương thận: Lupus ban đỏ hệ thống, viêm mạch,viêm khớp dạng thấp, đa u tủy xương...Những người dùng kéo dài những thuốc sau: Giảm đau chống viêm, thuốc ức chế calcineurin, lithium cacbonate, aminosalicylates... Những người có bố (mẹ) mắc bệnh thận mạn giai đoạn 3-5 và người trên 65 tuổi.

Nói chung người mắc bệnh thận mạn ít được phát hiện sớm, đa phần bệnh xuất hiện và tiến triển âm thầm ít có triệu chứng rầm rộ, thường khi được phát hiện đã ở giai đoạn nặng. Vì vậy, cần đi kiểm tra định kỳ để tầm soát bệnh này, phát hiện sớm sẽ giúp cho có biện pháp dự phòng và điều trị để làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn tính.

PGS.TS Đỗ Gia Tuyển (Trưởng khoa Thận Tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai)

Thúy Nga

BẢN DESKTOP