Y học và đời sống

Cách nhận biết một người bị ngộ độc thức ăn

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng nhiều người gặp phải, có thể gây mất nước, trụy mạch hoặc nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không được xử trí nhanh và đúng.

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bị trúng độc do ăn uống phải thực phẩm bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn hoặc biến chất, chứa chất phụ gia hay chất bảo quản quá liều lượng, bị ôi thiu,...

Những trường hợp bị ngộ độc nhẹ có thể khỏe sau vài ngày nhưng ở mức độ nghiêm trọng mà không được xử trí nhanh và đúng cách thì sức khỏe có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thậm chí còn gây tử vong.

Cách nhận biết một người bị ngộ độc thức ăn. Ảnh minh họa

Cách nhận biết một người bị ngộ độc thức ăn. Ảnh minh họa

Người bị ngộ độc thức ăn có biểu hiện như thế nào?

Buồn nôn và nôn

Buồn nôn và nôn đều là những dấu hiệu ngộ độc thức ăn điển hình. Lúc này, cơ bụng và cơ hoành co bóp mạnh, gây ra những cơn nôn mửa kéo dài để bạn có thể “tống” tất cả thức ăn trong dạ dày ra ngoài càng nhanh càng tốt. Đây là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể bằng cách loại bỏ các tác nhân gây hại.

Trong một số trường hợp, mức độ nôn sẽ giảm dần sau 48 giờ. Ngược lại, cũng có những trường hợp nôn mửa liên tục với mức độ tăng dần. Tốt nhất bạn nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt khi xuất hiện này để tránh tình trạng nôn mửa gây mất nước.

Đau bụng

Nếu vô tình ăn phải những thực phẩm bị nhiễm khuẩn, biến chất… niêm mạc dạ dày và ruột sẽ bị kích ứng, dẫn đến viêm và đau. Từ đó làm xuất hiện tình trạng đau bụng với biểu hiện là đau co cứng ở vùng bụng, đau dữ dội hoặc quằn quại từng cơn.

Tuy nhiên, đau bụng còn là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác. Ví dụ như khi viêm ruột thừa, cơn đau sẽ xuất hiện xung quanh hoặc trên rốn, sau đó chuyển xuống đau vùng góc dưới phải bụng. Vì vậy, người bệnh cần theo dõi và quan sát biểu hiện đau bụng, để xác định do ngộ độc hay các bệnh lý khác. Thông thường, đau bụng do ngộ độc sẽ đi kèm với biểu hiện tiêu chảy, nôn, yếu và mệt người.

Tiêu chảy nhiều lần

Khi bị tiêu chảy, số lần đi ngoài sẽ tăng lên, phân nát, lỏng hoặc nặng hơn là phân lẫn máu. Tiêu chảy liên tục kèm theo nôn ói dễ dẫn đến mất nước, gây nguy hiểm cho người bệnh. Vì thế cần bù nước và theo dõi người bệnh thường xuyên khi xuất hiện đồng thời 2 dấu hiệu ngộ độc thức ăn này.

Mạch nhanh, thở nhanh

Một dấu hiệu khác cảnh báo tình trạng ngộ độc thực phẩm mà bạn cần chú ý là mạch đập nhanh, thở gấp hoặc có cảm giác khó thở. Nếu đi kèm là các biểu hiện như loạn nhịp tim, đau ngực, da tím tái… thì rất có thể tình trạng ngộ độc đang trở nên nghiêm trọng hơn, cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để được điều trị kịp thời.

Vã mồ hôi liên tục

Trái với suy nghĩ của nhiều người, không phải lúc nào ngộ độc thực phẩm cũng gây ra đau bụng hay nôn ói đầu tiên. Có rất nhiều trường hợp, dấu hiệu ngộ độc thức ăn sớm là vã mồ hôi liên tục, ngay cả khi cơ thể đang nghỉ ngơi, không vận động hoặc ngồi trong môi trường mát mẻ. Cùng với dấu hiệu này, người bị ngộ độc còn có cảm giác khát nước và khô môi.

Sốt

Sốt là biểu hiện thân nhiệt lên trên 37.5 độ C. Hiện tượng này xuất hiện trong nhiều trường hợp khác nhau và là kết quả của hệ thống phòng thủ tự nhiên trong cơ thể. Sự gia tăng nhiệt độ này khiến cho hoạt động của các tế bào bạch cầu tăng lên để chống lại nhiễm trùng.

Sốt còn do pyrogens (những chất gây sốt) gây nên bằng cách gửi tin nhắn đánh lừa não bộ để não bộ cho rằng cơ thể đang bị lạnh hơn bình thường nên tạo ra nhiều nhiệt hơn. Những cơn sốt thường đi kèm với tình trạng ớn lạnh do pyrogens lừa cơ thể và khiến não bộ nghĩ cơ thể cần được làm nóng.

Đau cơ

Khi vi khuẩn từ thực phẩm bị biến chất xâm nhập vào cơ thể, Histamin - hóa chất giúp mở rộng các mạch máu nhằm giúp bạch cầu dễ dàng để chống lại nhiễm trùng, sẽ được giải phóng. Tuy nhiên, hóa chất này cũng vô tình kích hoạt các thụ thể gây đau khiến người bị ngộ độc thực phẩm cảm thấy nhức mỏi cơ thể, đau cơ âm ỉ tương tự như khi bị ốm (cảm).

Tuy nhiên, khi triệu chứng này diễn tiến nặng thành yếu cơ hay thậm chí là tê liệt (đây cũng là dấu hiệu ngộ độc cấp tính botulism), bạn phải đi đến bác sĩ ngay lập tức để được điều trị kịp thời.

Cách xử trí khi có biểu hiện ngộ độc thức ăn

Khi phát hiện cơ thể có biểu hiện ngộ độc thực phẩm trước tiên cần bình tĩnh để thực hiện biện pháp sơ cứu tạm thời nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe.

Gây nôn: rửa sạch ngón trỏ ép vào góc lưỡi để kích thích nôn thức ăn ra khỏi dạ dày, nôn được càng nhiều thì càng hạn chế được độc tố lan sâu vào cơ thể. Khi gây nôn cần chú ý:

Để người bệnh nằm tư thế nghiêng, đầu kê cao để chất độc nôn ra không trào ngược vào phổi và hạn chế nguy hiểm do ngạt thở, do sặc.

Nếu có thể, hãy giữ lại mẫu thực phẩm nôn ra trong dụng cụ đã được vệ sinh sạch sẽ để xác định nguyên nhân gây ngộ độc.

Bù nước: tiêu chảy và nôn do bị ngộ độc thực phẩm có thể gây mất nước nên người bệnh cần được bù nước bằng dung dịch oresol pha đúng tỷ lệ được chỉ dẫn. Tuyệt đối không dùng dung dịch oresol pha sẵn, không đun sôi, không dùng dung dịch đã pha trên 24 giờ.

Cấp cứu: người bệnh có biểu hiện ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng như rối loạn ý thức, co giật, suy hô hấp tuyệt đối không được gây nôn để bảo đảm an toàn cho tính mạng mà cần được đưa đến bệnh viện để cấp cứu ngay.

Các trường hợp đã thực hiện sơ cứu khi ngộ độc thực phẩm theo những hướng dẫn trên vẫn có thể gặp nguy cơ nguy hiểm nên cũng cần được đến cơ sở y tế để chẩn đoán đúng nguyên nhân và áp dụng biện pháp xử trí đúng đắn.

Giang Thu (T/H)

BẢN DESKTOP