Tư vấn

Cách nào cấm đốt rơm rạ, than tổ ong?

  • Tác giả : Khánh Ly (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Hết năm 2020 Hà Nội sẽ chính thức cấm đốt rơm rạ, sau đó là từng bước cấm đốt than tổ ong. Làm thế nào để quy định này có tính khả thi, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí?

Hỏi: Hết năm 2020 Hà Nội sẽ chính thức cấm đốt rơm rạ, sau đó là từng bước cấm đốt than tổ ong. Làm thế nào để quy định này có tính khả thi, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí?

Phạm Thanh Lan (Hoài Đức, Hà Nội)

PGS.TS Bùi Thị An, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội: Ước tính mỗi năm, TP Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, rất nhiều trong số đó bị người dân đốt bỏ trên cánh đồng. Quá trình đốt rơm rạ làm phát sinh khí thải CO2, CO, NO2 vào môi trường. Không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ, mà các chất ô nhiễm còn theo gió phát tán ra vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí cho Thủ đô. Năm 2021 cũng là năm Hà Nội cần hoàn thành mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn Thủ đô.

Hà Nội đặt mục tiêu, từ ngày 1/1/2021, đảm bảo 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý. Khi đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các quy định liên quan để xử phạt vi phạm đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường không khí do đốt phụ phẩm nông nghiệp, chất thải rắn hoặc sử dụng bếp than tổ ong.

Để người dân tự nguyện “nói không” với than tổ ong và đốt rơm rạ, bên cạnh việc đưa ra các chính sách nghiêm cấm hay xử phạt, TP Hà Nội cần đưa ra các giải pháp hỗ trợ về kinh tế, kỹ thuật để giúp người dân sử dụng hiệu quả nguồn rơm rạ sau thu hoạch cũng như việc chuyển đổi sang các loại bếp thân thiện với môi trường. Nghĩa là phải đặt ra bài toán lợi ích cho người sử dụng thay vì ra lệnh cấm cứng nhắc dễ dẫn tới đối phó. Nếu vì lo sợ bị xử phạt người dân sử dụng một cách lén lút bếp than ở những nơi kín đáo hơn sẽ rất nguy hiểm.

Khánh Ly (ghi)

BẢN DESKTOP