Y học và đời sống

Cách kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường

  • Tác giả : TS.BS Nguyễn Quang Bảy 
Các khuyến cáo hiện hành khuyên chỉ nên bắt đầu điều trị insulin khi bệnh nhân có đường huyết ≥ 180mg/dL ở ít nhất 2 lần xét nghiệm, với mục tiêu đường huyết ở mức 140-180 mg/dL (7,8 – 10 mmol/L).

Hỏi: Nhiều bệnh nhân đái tháo đường bị đường huyết nặng và nguy kịch. Xin hỏi, mức độ quy định thế nào? Kiểm soát tích cực ra sao?

Nguyễn Thị Hiên (Hà Nội)

Cách kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường ảnh 1

Cách kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường

Trả lời: Các bệnh nhân nặng có tăng đường huyết thường có tiên lượng tồi nhưng việc điều trị insulin tích cực để đưa đường huyết về mức bình thường lại cho những kết quả trái ngược nhau. Do đó các khuyến cáo hiện hành khuyên chỉ nên bắt đầu điều trị insulin khi bệnh nhân có đường huyết ≥ 180mg/dL ở ít nhất 2 lần xét nghiệm, với mục tiêu đường huyết ở mức 140-180 mg/dL (7,8 – 10 mmol/L).

Để làm rõ thêm vấn đề này, một nhóm các nhà khoa học thuộc nhiều quốc gia đã tìm các thông tin từ các nghiên cứu được thực hiện trên những người > 18 tuổi, bị bệnh nặng, có tăng đường huyết và được điều trị truyền insulin tĩnh mạch, với 2 nhóm mục tiêu là (1) đường huyết ≤ 120mg/dL và (2) đường huyết > 120 mg/dL, và mục tiêu này được duy trì trong suốt thời gian nằm tại khoa hồi sức tích cực hoặc ít nhất là 7 ngày.

Kết cục chính là tỷ lệ tử vong trong thời gian nằm viện (trong 90 ngày), và các kết cục phụ là tỷ lệ sống > 90 ngày sau khi phân nhóm ngẫu nhiên, tỷ lệ phải thở máy, dùng thuốc vận mạch, lọc máu và thời gian sống đến khi không cần các điều trị này. Các phân tích dưới nhóm, chỉ thực hiện cho kết cục chính, gồm bệnh nhân phẫu thuật và không phẫu thuật, có tiền sử tiểu đường hoặc nhiễm trùng huyết ở thời điểm ban đầu, chấn thương não cấp tính và mức độ nặng của bệnh.

Theo các tiêu chí này, các tác giả đã tìm được 20 nghiên cứu đủ tiêu chuẩn với 14.171 bệnh nhân (tuổi trung bình là 59; 36% là nữ) trong thời gian từ năm 2001 - 2023. Trong đó số bệnh nhân được phân vào 2 nhóm kiểm soát đường huyết tích cực và thông thường là 7059 và 7049 người.

Kết quả phân tích gộp thấy tỷ lệ tử vong ở 2 nhóm (kết cục chính) lần lượt là 27,3% và 26,8% (p = 0,52), và các kết cục phụ cũng đều khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, có sự khác biệt rõ rệt giữa 2 nhóm về tỷ lệ bị hạ đường huyết nặng, lần lượt là 13,3% ở nhóm điều trị tích cực và 3,9% ở nhóm điều trị thông thường (RR = 3,38; p < 0,0001).

Như vậy việc điều trị kiểm soát đường huyết tích cực không làm giảm tỷ lệ tử vong và không có lợi ích gì thêm nhưng lại làm tăng nguy cơ hạ đường huyết nặng, vì vậy các nhà nghiên cứu kết luận rằng mục tiêu đường huyết từ 140-180 mg/dL là phù hợp cho các bệnh nhân nặng/nguy kịch để tránh nguy cơ bị hạ đường huyết.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng khoa Nội tiết- đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai)

TS.BS Nguyễn Quang Bảy 

BẢN DESKTOP