Đời sống

Cách học và dạy con của một nữ phó giáo sư

Gặp PGS. Vân Thanh tại nhà riêng của bà ở số 32, ngõ 10, phố Võng Thị, Hà Nội mới thấy cái hồn hậu, thanh lịch của người con gái Hà Nội năm nào. Ở tuổi gần 80 nhưng tâm hồn bà vẫn tươi trẻ, ánh mắt biết cười, bà vui vì có khách đến chơi, bà ân cần sai các cháu đi pha trà, pha cà phê để bà rảnh rang tiếp khách.

Tuổi trẻ với những bước đi đầu vững chãi

PGS Vân Thanh trước công tác ở Ban Văn học hiện đại, Viện Văn học VN cũng Là người tham gia tích cực trong Ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn VN. Bà được nhiều đồng nghiệp đánh giá nhiệt tình, cần cù và cũng là phụ nữ hiếm hoi làm việc trong mảng văn học này.

Xuất thân từ gia đình trí thức tại Hà Nội, bà Vân Thanh được cha mẹ cho ăn học đàng hoàng, được nhà nước cử đi học Đại học Sơn Đông Trung Quốc, về nước vào năm 1961 khi Viện Văn học nước ta mới được thành lập và bà  được tiếp nhận vào Viện ngay. Sẵn có niềm đam mê văn học thiếu nhi, bà xin ông Đặng Thai Mai, Hoài Thanh (lãnh đạo Viện khi đó) được cống hiến trong mảng văn học này.

Sau này bà tham gia vào Hội Nhà văn VN cùng với những tên tuổi như Phạm Hổ, Võ Quảng, Định Hải, Nguyễn Thắng Vu, Nguyễn Huy Thắng…Có tuổi trẻ, có tài năng, ngoại hình ưa nhìn, tính cách dịu dàng, thùy mỵ, bà đã gây choáng ngợp chàng trai xứ Nghệ cùng công tác trong Viện Văn học, sau này là Viện trưởng Viện Văn học VN- GS Phong Lê.

PGS. Vân Thanh (ôm hoa) với đồng nghiệp trong ngày phụ nữ Việt Nam 20/10

Tôi mới là người bị sét đánh

Kể về mối tình của mình, bà Vân Thanh tủm tỉm nói: “Tôi mới là người bị sét đánh. Tháng 4/1961 từ Trung Quốc về, người đầu tiên tôi gặp ở Viện Văn học là anh Phong Lê. Tôi thấy anh sáng láng, dễ thương, nói chuyện chân tình, gần gũi nên thoắt cái, tôi và anh trở thành bạn thân.

Năm 1963 chúng tôi nên duyên vợ chồng, khi đó tôi 24 tuổi. Được làm việc và được sống cùng anh Phong Lê, tôi học ở anh nhiều điều. Anh làm việc có phương pháp, có định hướng, có kế hoạch, đã nhận việc gì thì hoàn thành xuất sắc.

Trong gia đình, là phụ nữ nên lúc nào tôi cũng lỉnh kỉnh nhiều thứ, lắm khi để đâu rồi không nhớ nhưng anh Phong Lê lúc nào cũng là người đi sau, sắp xếp các thứ gọn ghẽ cho tôi. Nhiều lần tôi tự nhủ, sẽ sửa chữa nhưng cả đời vẫn chưa sửa được”.

Mặc dù bà Vân Thanh nói vậy nhưng ai cũng biết, bà là trụ cột vững trong gia đình. Trong khi chồng bận rộn với sự nghiệp, với công tác lãnh đạo ở Viện, một tay bà Vân Thanh lo toan cho gia đình chu toàn. Bà có hai người con. Con gái sinh năm 1963, con trai sinh năm 1969, cả hai con bà đều đã trưởng thành trong nghề nghiệp,  có gia đình và có cháu.

Lúc đang công tác, công việc bộn bề, vừa làm nghiên cứu, phê bình văn học, vừa viết bài, vừa làm luận văn, học ngoại ngữ để theo học các lớp đào tạo, bà tính toán từng khoảng thời gian để con cái học hành đàng hoàng, ăn uống, sinh hoạt trong gia đình đầy đủ.

Bà dậy các con biết quan tâm đến những người xung quanh. Ngay trong gia đình, ngày sinh nhật, ngày giỗ, lễ tết… bận việc đến mấy bà cũng dành thời gian tổ chức chu đáo để sau này các con quen nếp. Bà kể, khi lấy tôi, anh Phong Lê mới biết đến sinh nhật.

Anh sinh ra trong một gia đình nhà nho xứ Nghệ, nhà nghèo, đông anh em nên không có điều kiện tổ chức sinh nhật. Khi chúng tôi về cùng một nhà, anh theo tôi, sinh nhật nào của vợ anh cũng tặng hoa, tặng khăn, có lần tặng một chiếc hộp rất to, mãi tôi mới mở được thì chỉ vẻn vẹn mảnh giấy: Hôm nay đi bơi thuyền với nhau nhé.

Dậy các con cách quản lý

Dù chưa đầy đủ nhưng từ bé đến lớn bà Vân Thanh sống thoải mái, đặc biệt luôn thả tâm hồn bay bổng, bà ít khi để tâm đến chuyện tiền nong. Nhưng cuộc sống là thực tế và bà cũng phải học để sống. Với mức lương nhà nước ít ỏi, bà nói, muốn đầu óc thảnh thơi thì mình phải chia ra, phải lên thực đơn cho mỗi tuần, các tuần sau cứ thế lặp lại.

Kể từ khi bà áp dụng “kế hoạch”, chi tiêu không bị trội lên và bà cũng phổ biến điều này cho các con, giúp các con sống ngăn nắp, chi tiêu kế hoạch. Về học hành, bà lấy gương của chồng ra răn dạy các con. Cùng làm việc với chồng, bà thấy thua chồng về sự học.

Mỗi ngày ông Phong Lê học hơn bà 2 từ mới, mỗi tháng ông sẽ hơn bà 60 từ. Mỗi tuần ông đọc hơn bà 1 chương sách, một năm ông đọc hơn bà 48 chương sách. Biết mình thiệt hơn chồng vì phải lo toan, nội trợ, bà thường lấy gương chồng ra răn các con, giúp các con, các cháu phấn đấu.

Về già, hai vợ chồng ông bà Vân Thanh sống riêng, cuối tuần con cháu mới về sum họp. Sợ bố mẹ cô đơn, các con thường hỏi han, tặng thứ này, thứ kia cho ông bà. Chia tay, ánh mắt bà Vân Thanh ánh lên những tia hạnh phúc: “Đấy, tháng lương đầu tiên chúng nó tặng tôi nào vòng, nào dây đeo cổ đây cô này”-Bà cười làm tôi say theo hạnh phúc của bà.

Minh Hoa

Từ Khoá

BẢN DESKTOP