Chữa bệnh không dùng thuốc

Cách dùng cây cúc dại chữa bệnh an toàn

  • Tác giả : BS.TTƯT Quách Tuấn Vinh
Cây xuyến chi (Bidens pilosa), hay còn gọi là cúc dại, cây mọc hoang dại ở nhiều nơi và phát tán mạnh. Khi sử dụng cúc dại nấu ăn hoặc chữa bệnh cần chú ý để đảm bảo an toàn.

Dược liệu trong y học cổ truyền dùng chữa nhiều bệnh

Xuyến chi là một loại thảo dược đã được sử dụng trong y học cổ truyền vì các đặc tính dược lý có lợi cho sức khỏe.

Dưới đây là một số tác dụng chữa bệnh của cây xuyến chi và những nghiên cứu liên quan:

Tác dụng chữa bệnh tiểu đường

Xuyến chi được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu, giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Một số nghiên cứu trên động vật đã chứng minh rằng xuyến chi có thể làm giảm mức đường huyết và cải thiện sự nhạy cảm insulin, hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường.

Xuyến chi đã được nghiên cứu về khả năng hỗ trợ điều trị và kiểm soát bệnh tiểu đường, chủ yếu là thông qua việc điều chỉnh mức đường huyết và tăng cường hoạt động của insulin. Các hợp chất trong cây xuyến chi, như polyacetylene và flavonoid, có tác dụng giảm lượng đường trong máu.

Xuyến chi có thể giúp điều chỉnh mức đường huyết thông qua việc tăng cường nhạy cảm với insulin và thúc đẩy quá trình vận chuyển glucose vào tế bào. Nhờ vào hoạt tính chống oxy hóa mạnh mẽ, xuyến chi có thể bảo vệ tế bào beta của tuyến tụy khỏi tổn thương do gốc tự do gây ra, hỗ trợ việc duy trì sản xuất insulin.

Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng xuyến chi có thể ức chế enzyme alpha-glucosidase, làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate từ thực phẩm và giúp ngăn ngừa sự tăng đột biến đường huyết sau bữa ăn.

Cây xuyến chi (cúc dại) - Ảnh minh hoạ

Cây xuyến chi (cúc dại) - Ảnh minh hoạ

Tác dụng hạ huyết áp

Cây xuyến chi cũng được nghiên cứu về tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp, chủ yếu thông qua cơ chế giãn mạch và điều hòa áp lực máu. Các hợp chất có trong xuyến chi, đặc biệt là flavonoid và polyphenol, được cho là có khả năng làm giãn nở mạch máu và cải thiện tuần hoàn, giúp giảm áp lực lên thành mạch và kiểm soát huyết áp.

Flavonoid trong cây xuyến chi có tác dụng làm giãn mạch máu, từ đó giúp hạ huyết áp bằng cách giảm áp lực lên hệ thống tuần hoàn. Việc làm giảm sức cản ngoại vi giúp cải thiện lưu thông máu và giảm nguy cơ các vấn đề về tim mạch.

Xuyến chi cũng có tác dụng điều hòa sự co bóp của tim, từ đó giúp hạ huyết áp. Điều này hỗ trợ trong việc phòng ngừa các bệnh lý tim mạch như bệnh động mạch vành và suy tim.

Tác dụng trên hệ tiêu hóa

Cấy xuyến chi có thể giúp điều hòa chức năng tiêu hóa, chống táo bón và hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày, đường ruột. Một nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy chiết xuất từ xuyến chi có thể cải thiện đáng kể tình trạng viêm loét dạ dày do tác động của các gốc tự do và các phản ứng viêm.

Tác dụng chống viêm nhiễm

Xuyến chi có khả năng ức chế các quá trình viêm và giảm sưng, giúp giảm viêm trong nhiều bệnh lý, đặc biệt là viêm khớp và các bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất từ xuyến chi có thể làm giảm mức cytokine gây viêm, qua đó giúp kiểm soát các phản ứng viêm trong cơ thể.

Nghiên cứu tại Brazil đã xác nhận khả năng chống viêm mạnh mẽ của cây này thông qua cơ chế ức chế enzyme cyclooxygenase và lipooxygenase.

Tác dụng giảm nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính

Các hợp chất trong xuyến chi, như flavonoid và polyphenol, có khả năng chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do gây ra.

Nghiên cứu đã chứng minh rằng các chiết xuất từ xuyến chi có khả năng bảo vệ tế bào khỏi stress oxy hóa, giảm nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính như ung thư, bệnh tim mạch và thoái hóa thần kinh.

Tác dụng kháng ung thư

Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy chiết xuất từ xuyến chi có thể ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư vú và ung thư phổi.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc đã chỉ ra rằng xuyến chi có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư qua việc ngăn chặn chu trình tế bào và thúc đẩy quá trình apoptosis (chết tế bào tự nhiên).

Kháng khuẩn và kháng nấm

Xuyến chi có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn và nấm gây bệnh, từ đó giúp điều trị các bệnh nhiễm khuẩn và nấm da, viêm da, nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu hóa.

Nghiên cứu được thực hiện tại Nigeria cho thấy chiết xuất của xuyến chi có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với các chủng vi khuẩn như Staphylococcus aureus, E. coli và kháng nấm đối với các chủng nấm Candida.

Tác dụng chống ký sinh trùng

Cây xuyến chi cũng nổi bật với khả năng chống lại nhiều loại ký sinh trùng. Các hợp chất có trong xuyến chi, đặc biệt là polyacetylen và flavonoid, có khả năng ức chế sự phát triển và hoạt động của các loại ký sinh trùng, bao gồm các loài giun sán, nấm và các loại vi sinh vật gây bệnh.

Thậm chí, Xuyến chi có thể can thiệp vào quá trình sinh sản và phát triển của một số loại ký sinh trùng, từ đó ngăn chặn sự lây lan và phát triển của chúng trong cơ thể.

Thu hái xuyến chi làm thuốc chữa bệnh - Ảnh minh họa

Thu hái xuyến chi làm thuốc chữa bệnh - Ảnh minh họa

Cách đảm bảo an toàn khi sử dụng

Khi sử dụng cây xuyến chi (Bidens pilosa) để chữa bệnh, dù có nhiều lợi ích sức khỏe, cũng cần phải lưu ý một số điểm quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Dưới đây là những điều cần lưu ý khi sử dụng xuyến chi trong điều trị:

Liều lượng và cách sử dụng

Xuyến chi có thể sử dụng mỗi ngày 15g khô, tương đương 60g tươi. Xuyến chi có thể được sử dụng dưới dạng trà, bột chiết xuất, hoặc dạng thuốc sắc của Đông y. Có thể sử dụng Xuyến chi dưới dạng xào, nấu.

Tuy nhiên, sử dụng quá mức hoặc không theo đúng cách có thể làm giảm hiệu quả hoặc gây ra các phản ứng phụ. Trong nghiên cứu lâm sàng (đối với người), việc sử dụng dạng trà hoặc chiết xuất nước thường có liều từ 1-2 tách/ngày.

Tuy nhiên, liều lượng chính xác phụ thuộc vào mức độ cô đặc của chiết xuất và tình trạng bệnh lý của người sử dụng.

Một số lưu ý

Cần thận trọng với các đối tượng nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ mang thai, người đang điều trị bệnh mạn tính nên thận trọng.

- Do xuyến chi có khả năng hạ đường huyết, việc sử dụng chung với các loại thuốc điều trị tiểu đường có thể làm đường huyết giảm quá thấp (hạ đường huyết nghiêm trọng).

Do đó, người bệnh tiểu đường cần phải được theo dõi cẩn thận và điều chỉnh liều thuốc phù hợp khi sử dụng xuyến chi.

- Vì xuyến chi có tính kháng viêm và có thể làm loãng máu, nên người đang sử dụng thuốc chống đông máu hoặc thuốc kháng viêm cần lưu ý vì có thể gây ra hiện tượng chảy máu hoặc làm thay đổi hiệu quả của các thuốc này.

- Một số người có thể nhạy cảm hoặc dị ứng với các loại thực vật họ Cúc (Asteraceae), bao gồm xuyến chi. Biểu hiện có thể là nổi mề đay, ngứa ngáy, hoặc khó thở. Nếu có bất kỳ dấu hiệu dị ứng nào, nên ngưng sử dụng ngay lập tức và đến bác sĩ.

- Một số người có thể gặp rối loạn tiêu hóa nhẹ như đau bụng, tiêu chảy hoặc buồn nôn khi sử dụng xuyến chi. Đặc biệt là khi sử dụng ở liều cao hoặc sử dụng kéo dài.

- Phụ nữ mang thai và cho con bú cần thận trọng khi sử dụng xuyến chi. Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể về tác động tiêu cực lên thai nhi và trẻ em, nhưng việc sử dụng bất kỳ thảo dược nào trong giai đoạn này cần được kiểm tra kỹ lưỡng. Do đó, nếu có nhu cầu sử dụng, nên hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia.

BS.TTƯT Quách Tuấn Vinh

(Chủ tịch Hội đông Y quận Hoàn Kiếm)

BS.TTƯT Quách Tuấn Vinh

BẢN DESKTOP