Y học và đời sống

Cách chữa ngủ ly bì do rối loạn mạch Âm kiều

Mạch Âm kiều bị rối loạn không chỉ gây buồn ngủ, ngủ ly bì mà còn gây đau mắt, đau lưng, tức ngực, chi dưới tê liệt…
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/mach-am-kieu-300x201.jpg

Bắt mạch (Ảnh minh họa).

Rối loạn gây nhiều bệnh

Mạch Âm kiều xuất phát từ kinh chính Thận (từ huyệt Nhiên cốc – ở chỗ lõm sát giữa bờ dưới xương thuyền, trên đường nối da gan chân và mu chân), chạy đến huyệt Chiếu hải (nằm ngay dưới mắt cá chân trong) rồi đến huyệt Giao tín; chạy lên theo mặt trong cẳng chân và đùi, đi vào trong bụng dưới; chạy theo mặt trong thành bụng lên ngực và xuất hiện ở hố thượng đòn tại huyệt khuyết bồn, chạy tiếp đến huyệt Nhân nghinh; chạy tiếp lên mặt, đi sâu vào xương hàm trên và đến tận cùng ở khóe mắt trong để nối với túc thái dương Bàng quang kinh tại huyệt Tình minh.

Khi mạch Âm kiều bị rối loạn thì các các bộ phận liên quan trên đường đi của mạch Âm kiều sẽ có biểu hiện bệnh. Triệu chứng chính là tình trạng buồn ngủ, ngủ gà hoặc ly bì. Ngoài ra, người bệnh còn có các biểu hiện khác như: mắt đỏ, đau nhức; Lưng đau, tức ngực, lưỡi bị cuốn lại; Mắt cá chân ngoài trở lên bị yếu mềm (liệt), mắt cá chân trong trở lên bị co rút; tắc họng, đầy bụng, bụng sôi, đi tả hoặc táo bón, động kinh, chân tay co rút…

Châm huyệt Chiếu hải trị bệnh

Giao hội huyệt của mạch Âm kiều là huyệt Chiếu hải. Huyệt Chiếu hải có quan hệ với huyệt Liệt khuyết trong mối quan hệ chủ – khách của hệ thống mạch Nhâm và mạch Âm kiều. Vì vậy, khi bị bệnh do rối loại mạch Âm kiều thì trước hết ưu tiên châm huyệt Chiếu hải. Kế tiếp là châm những huyệt trị nguyên nhân gây bệnh. Có 3 loại tổn thương do rối loạn Âm kiều: Do tuần hoàn của Tông khí bị trở ngại; Do kinh chính Âm bị thực và do Nội thương.

Do tuần hoàn của Tông khí bị trở ngại: Trường hợp này, tà khí chỉ ở trong mạch Âm kiều khi khí của kinh chính bị hư. Khi tà khí xâm nhập vào kinh Dương Minh ở má, nó vào phía dưới mắt, rồi vào khóe mắt trong ở huyệt Tinh minh làm cho mắt trơn ướt. Nếu khí của mạch Âm kiều không thông thì mắt sẽ không nhắm lại được. Điều Trị: Châm huyệt Tinh minh bên bệnh và huyệt Nhiên cốc, Chiếu hải bên không bệnh. Có thể châm thêm huyệt Giải khê để bổ cho khí của kinh Vị, nếu Vị khí hư.

Trường hợp do Thử tà gây ra đau từ vùng thắt lưng lên cổ và mắt mờ, lưỡi cong khó nói thì châm huyệt Túc tam lý, huyệt Giao tín.

Do Âm thực: người bệnh ngủ ly bì, hay mơ. Điều Trị: châm huyệt Chiếu hải, nếu không hiệu quả châm thêm huyệt Kim môn.

Do Nội thương: Thiên ‘Khẩu Vấn’ ghi: “Tâm là chủ của 5 Tạng, 6 Phủ. Mắt là nơi tụ của tông mạch (Âm kiều và Dương kiều), là con đường vận hành của thượng dịch… Khi ta buồn sầu, đau đớn, ưu tư thì sẽ làm động đến Tâm, Tâm động thì 5 Tạng, 6 Phủ sẽ bị dao động, dao động sẽ làm cho tông mạch bị cảm, tông mạch bị cảm thì con đường của chất dịch mở ra, nước mắt nước mũi sẽ chảy ra”. Điều trị bằng cách châm huyệt Thiên trụ.

Lương y Tống Thị Bích Thủy

(Hội Đông y Hà Nội)

BẢN DESKTOP