Y học và đời sống

Cách ăn đồ ngọt tránh đường huyết tăng cao

Không chỉ người bị tiểu đường kiêng đồ ngọt vì sợ đường máu lên cao mà nhiều người cũng không dám ăn đồ ngọt vì sợ bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Vậy thực tế ăn đường có gây ĐTĐ? Phải ăn như thế nào để tránh đường huyết tăng cao?
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/do-ngot-300x228.jpg

Người bệnh ĐTĐ vẫn có thể ăn chút đồ ngọt.

Ăn đường gây bệnh ĐTĐ?

ThS Nguyễn Huy Cường, phòng khám chuyên khoa Nội tiết – ĐTĐ Thái Hà, nguyên Phó trưởng khoa ĐTĐ, Bệnh vện Nội tiết TƯ cho biết, hiện nhiều người sợ bệnh ĐTĐ vì  nhiều biến chứng nguy hiểm và nguy cơ tử vong nhiều hơn cả bệnh ung thư vú và HIV/AIDS gộp lại nên không dám ăn đường. Họ cho rằng, đường, chất ngọt là nguyên nhân gây bệnh ĐTĐ nhưng thực tế không phải vậy.

Theo ThS Nguyễn Huy Cường, bản thân chuyện  ăn nhiều đường không gây ra bệnh ĐTĐ. Bằng chứng là vào thời bao cấp, chúng ta ăn rất nhiều gạo (một loại chất đường), ít chất béo và đạm hơn, nhưng lúc đó đâu có nhiều bệnh nhân tiểu đường.

Bệnh ĐTĐ do rất nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp như tuổi tác, lối sống ít vận động, tình trạng kháng insulin, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đa nang buồng trứng, stress, nhiễm độc, đẻ con to do mắc tiểu đường khi có thai, gene gây bệnh và cả những nguyên nhân mà lúc này đây khoa học còn chưa biết hết… Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta nên ăn nhiều chất đường vì đường không có lợi nhiều cho sức khỏe và có nhiều đồ ăn khác ngon hơn.

Tốt nhất, người mắc tiểu đường không phải ăn chế độ ăn kiêng khắt khe như đã từng khuyến cáo, kể cả không phải kiêng tuyệt đối đồ ngọt và đường. Bởi nghiên cứu cho thấy, tinh bột như khoai tây hoặc bánh mỳ trắng tác động đến đường máu giống như ăn đường kính vậy, đôi khi làm tăng đường máu đột ngột nhiều hơn thức ăn có đường khác. Các loại ngũ cốc toàn phần và rau không tác động đến đường máu nhiều.

Do vậy, việc tính đếm đến lượng chất bột đường ăn vào quan trọng hơn là chuyện loại bỏ chất đường ra khỏi bữa ăn. Ăn một chút đường vẫn tốt. Người bệnh ĐTĐ đi ăn cưới hoặc sinh nhật chẳng hạn, hoàn toàn có thể nếm một lát bánh ngọt (một lát nhỏ thôi) và hãy thay thế chỗ bánh ngọt đó bằng cách bớt đi một ít cơm hoặc bánh mỳ.

Hơn nữa, nếu người bệnh ĐTĐ thực sự thích cái gì đó thật ngọt miệng, hãy chọn loại đồ ăn ngọt bằng chất đường thay thế như Cola bằng đường aspartam, đường sacharin…Nhiều loại đường thay thế này không chứa calo nên người không cần phải tính đếm đến lượng chất đường trong đó.

Hạn chế đạm và tăng chất xơ

Theo ThS Nguyễn Huy Cường, người bệnh ĐTĐ tuyệt đối không nên ăn kiêng mà thay vào đó là chế độ ăn theo hướng dẫn cho bất kỳ người khỏe mạnh bình thường nào khác.

Đó là chế độ ăn giảm (không phải là tuyệt đối không ăn) chất béo động vật bão hòa (mỡ động vật, đặc biệt là mỡ trong phủ tạng); hãy ăn thực phẩm đa dạng về nguồn gốc; khối lượng ăn tùy theo thể trạng (nếu đang thừa cân: giảm lượng ăn; nhưng nếu đang  thiếu cân phải ăn nhiều hơn). Nếu như trước khi được chẩn đoán bệnh ĐTĐ, chưa ăn uống khoa học thì nay là thời điểm tốt để thay đổi ăn uống một cách khoa học.

Tốt nhất, người bệnh ĐTĐ nên ăn thực phẩm có nhiều chất xơ có thể giúp làm giảm đường máu. Theo nghiên cứu chế độ ăn giàu  chất xơ (nhiều hơn 50g/ngày) làm giảm đường màu khá tốt. Bởi nếu như trong thức ăn có nhiều chất xơ chất xơ giúp ruột tiêu hoá thức ăn chậm hơn, điều đó có nghĩa rằng chất đường sẽ hấp thu vào máu chậm hơn, và hệ quả là đường máu sẽ tăng chậm hơn.

Hiện chế độ ăn của người Việt Nam thường chỉ có 10-15g chất xơ/ngày. Điều đó có nghĩa rằng, để phòng và chữa ĐTĐ, chúng ta cần phải ăn nhiều chất xơ hơn nữa mới có hiệu quả. Chế độ ăn nhiều chất xơ còn giúp làm giảm mỡ máu, giảm cân, tránh táo bón và giảm ung thư đại tràng.

Thực phẩm như rau xanh và quả, ngũ cốc toàn phần, gạo lứt… có nhiều chất xơ. Một số thực phẩm chế biến sẵn cũng cho thêm chất xơ. Khi đi mua hàng, hãy đọc nhãn hàng hoá để biết thông tin dinh dưỡng bên trong.

Hơn nữa, để phòng và chữa ĐTĐ nên thực hiện chế độ ăn đủ chất đạm, tránh dư thừa. Chế độ ăn giàu chất đạm có thể nguy hại cho một số bệnh nhân tiểu đường bị bệnh thận. Những người bị bệnh thận có thể bị suy thận nhanh hơn nếu dùng quá nhiều chất đạm trong bữa ăn.

Tốt nhất, nên ăn từ 15 – 20% năng lượng khẩu phần/ngày từ chất đạm. Một người nặng 60kg có thể ăn chừng 200 – 350g thịt-cá/ngày. Lựa chọn chất đạm từ đậu, cá hoặc gia cầm thì tốt hơn từ thịt đỏ.

Nhật Hà

BẢN DESKTOP