Dữ liệu y khoa

Cách ăn chất béo bão hòa tránh bệnh

  • Tác giả : BS Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai)
Ăn quá nhiều chất béo bão hòa làm tăng cholesterol LDL trong máu. Nồng độ cholesterol LDL trong máu cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Thực phẩm chứa chất béo bão hòa tăng nguy cơ tim mạch

Chất béo bão hòa thường ở thể rắn khi trong nhiệt độ phòng. Chất béo bão hòa trong thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, các sản phẩm từ sữa nguyên chất béo, trứng và các loại dầu nhiệt đới như dừa và cọ. Bởi vì chúng thường rắn trong nhiệt độ phòng, nên đôi khi chúng được gọi là “chất béo rắn”.

Chất béo bão hòa xuất hiện tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm. Hầu hết có nguồn gốc động vật, bao gồm thịt và các sản phẩm từ sữa, cũng như các chất béo nhiệt đới như dừa và cọ. Các thực phẩm có chất béo bão hòa là: Thịt bò; Cừu non; Thịt lợn; Gia cầm, đặc biệt là với da; Mỡ bò (mỡ động vật); Mỡ lợn; Phô mai; Kem, Dừa; Dầu cọ; Dầu hạt cọ... Một số thực phẩm nướng và chiên...

chat-beo-tim-mach.jpg
Cách ăn chất béo bão hòa tránh bệnh.

Thay chất béo bão hòa để tránh bệnh

Chất béo bão hòa có thể gây ra các vấn đề sức khỏe vì tăng nồng độ cholesterol, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Thay thế các thực phẩm giàu chất béo bão hòa bằng các lựa chọn tốt hơn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên chọn một chế độ ăn hạn chế chỉ từ 5 - 6% calo từ chất béo bão hòa. Ví dụ, nếu bạn cần khoảng 2.000 calo mỗi ngày, thì không quá 120 calo trong số đó đến từ chất béo bão hòa. Tức là khoảng 13g chất béo bão hòa mỗi ngày.

Hãy áp dụng hướng dẫn chung dưới đây cho dù thực phẩm được chế biến ở đâu:

- Cân bằng lượng calo nạp vào với nhu cầu calo tiêu thụ để đạt được và duy trì cân nặng hợp lý.

- Chọn ngũ cốc nguyên hạt, protein từ thịt nạc và thực vật cùng nhiều loại trái cây và rau quả.

- Hạn chế muối, đường, mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn và rượu, bia.

Những lựa chọn tốt thay thế chất béo bão hòa là:

- Để có chế độ ăn tốt cho tim mạch, hãy chọn thịt nạc và thịt gia cầm bỏ da. Chế biến chúng mà không thêm chất béo bão hòa.

- Nấu ăn bằng dầu thực vật lỏng, không phải dầu nhiệt đới. Cũng có nghĩa là ăn cá và các loại hạt. Bạn cũng có thể thử thay thế một số loại thịt bạn ăn bằng đậu hoặc các loại họ đậu.

Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo phải hạn chế chất béo bão hòa - chúng có nhiều trong bơ, pho mát, thịt đỏ và các thực phẩm có nguồn gốc động vật khác và dầu nhiệt đới. Khoa học đã chứng minh, chất béo bão hòa có thể làm tăng lượng cholesterol “xấu” của bạn và nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.

Điều quan trọng hơn cần nhớ là bức tranh tổng thể về chế độ ăn của bạn. Chất béo bão hòa chỉ là một phần trong chế độ ăn của bạn mà thôi. Nói chung, bạn sẽ không bao giờ mắc sai lầm khi ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc - và hấp thụ ít calo hơn.

BS Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai)

BẢN DESKTOP