Dữ liệu y khoa

Các xét nghiệm cần làm khi đái máu

  • Tác giả : thúy nga
(khoahocdoisong.vn) - Đái máu cần phải được xác minh bằng xét nghiệm, ngay cả khi bạn nhìn thấy nước tiểu màu đỏ. Và khi nước tiểu nhìn thấy màu vàng bình thường nhưng chưa chắc đó là bình thường, vì có thể trong đó có đái máu vi thể.

Khi phát hiện có hồng cầu trong nước tiểu, bạn cần đến cơ sở chuyên khoa. Bác sĩ chuyên khoa sẽ khám lâm sàng, phân tích triệu chứng từ đó sẽ chỉ định cho bạn những xét nghiệm – thăm dò cần thiết để tìm nguyên nhân. Chẩn đoán đái máu không khó nhưng tìm nguyên nhân gây đái máu là khó và rất quan trọng, khi đó mới có biện pháp điều trị.

Một số xét nghiệm có thể tiến hành khi có đái máu, làm xét nghiệm thăm dò nào là do bác sĩ chỉ định để phù hợp với triệu chứng và khả năng bạn bị mắc bệnh gì mà  thầy thuốc đang hướng tới

Công thức máu: Đánh giá mức độ thiếu máu do đái máu gây ra và theo dõi diễn biến của đái máu.

 Đông máu cơ bản: Cần tiến hành xét nghiệm đông máu cơ bản nếu nghi ngờ có rối loạn đông máu.

Xét nghiệm sinh hóa máu: Ure, creatinin, đường, men gan, các xét nghiệm hóa sinh khác nếu cần.

Xét nghiệm nước tiểu: Định lượng protein niệu, microalbumin niệu. Xét nghiệm tế bào hồng cầu, bạch cầu, trụ hồng cầu. Xét nghiệm tế bào bất thường trong nước tiểu nếu nghi ngờ có bệnh lý ác tính. Cấy nước tiểu tìm vi khuẩn.

Siêu âm: Phát hiện được các nang thận, sỏi thận tiết niệu, giãn đài bể thận và niệu quản rất tốt, tuy nhiên hạn chế khi phát hiện các khối u đặc có kích thước < 3 cm.

 Chụp UIV: Chụp hệ tiết niệu có tiêm thuốc cản quang đường tĩnh mạch nhằm đánh giá chức năng của thận, tìm hiểu mức độ tắc nghẽn của bể thận, niệu quản, tuy nhiên khó phát hiện u nhỏ.

Chụp CT Scanner: Phương pháp chụp cắt lớp vi tính phát hiện tốt các khối u đặc của thân, dễ hơn MRI, chẩn đoán sỏi chính xác, phát hiện nhiễm khuẩn tại thận và quanh thận. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh cũng chỉ nhằm mục đích hỗ trợ mà thôi, đôi khi không phát hiện gì đặc biệt ngoài đái máu, nhất là đái máu vi thể.

Soi bàng quang: Đánh giá niêm mạc bàng quang, hai lỗ niệu quản. Có thể xác định được đái máu từ thận nào xuống khi bệnh nhân đái máu đại thể. Dễ xác định u bàng quang cục máu đông trong bàng quang. Soi bàng quang nên được tiến hành cả ở những bệnh nhân trên 40 tuổi đái máu vi thể kéo dài và ở những người dưới 40 tuổi nhưng có kèm các yếu tố nguy cơ cao.

Sinh thiết thận: Đây là chỉ định mà bệnh nhân hay băn khoăn, có nhiều chỉ định nhưng thông thường bác sĩ thường yêu cầu người bệnh làm khi: Nghi có tổn thương cầu thận; đái máu có kèm theo protein niệu hay giảm mức lọc cầu thận…

Như vậy khi bạn có hồng cầu trong nước tiểu cần phải đi kiểm tra xem có thực sự là bệnh lý của thận – tiết niệu hay là hậu quả của bệnh toàn thân, mặt khác cần xác định được cơ quan tổn thương và gây đái máu, chỉ khi đó mới có cách điều trị đúng và kịp thời.

PGS.TS Đỗ Gia Tuyển (Trưởng khoa Thận, Tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai)

thúy nga

BẢN DESKTOP