Thời sự

Các tỉnh nhận trợ cấp nhiều nhất lại minh bạch ngân sách thấp nhất

  • Tác giả : Vân Bùi
(khoahocdoisong.vn) -Kết quả khảo sát Chỉ số công khai ngân sách cấp tỉnh (gọi tắt là POBI) năm 2019 cho thấy, các tỉnh/thành phố càng nhận được nhiều ngân sách nhà nước (NSNN) thì mức độ công khai, minh bạch càng kém.

Liên minh minh bạch ngân sách Việt Nam vừa công bố Chỉ số công khai ngân sách tỉnh 2019. Kết quả khảo sát Chỉ số công khai ngân sách cấp tỉnh (gọi tắt là POBI) năm 2019 cho thấy, các tỉnh/thành phố càng nhận được nhiều ngân sách nhà nước (NSNN) thì mức độ công khai, minh bạch càng kém.

Theo kết quả khảo sát, xếp hạng công khai ngân sách tỉnh POBI 2019 có 24 tỉnh được xếp vào nhóm A (tương ứng với điểm xếp hạng từ 75 - 100), là nhóm công khai đầy đủ. Đứng đầu là Quảng Nam và Bà Rịa – Vũng Tàu đều đạt hơn 90 điểm. Có 27 tỉnh đạt mức tương đối (nhóm B - điểm xếp hạng từ 50 - 75 điểm).

Cũng theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, đại diện Nhóm nghiên cứu POBI 2019, chỉ số POBI trung bình năm 2019 đạt 65,55 điểm/100 điểm quy đổi xếp hạng, cao hơn so với năm 2018 (51 điểm) và năm 2017 (30,5 điểm). Điều này cho thấy mức độ công khai NSNN của 63 tỉnh/thành phố năm 2019 đã cải thiện so với năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, các thông số đo lường của POBI 2019 cho thấy vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại, cần tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.

Còn 9 tỉnh công khai chưa đầy đủ ngân sách (nhóm C - điểm xếp hạng từ 25 đến dưới 75 điểm); 3 tỉnh ít công khai (nhóm D - điểm xếp hạng từ 0 đến dưới 25 điểm) là Hòa Bình (1,69 điểm), Đồng Tháp (7,9 điểm) và Lạng Sơn (21,61 điểm). Đồng Tháp và Hòa Bình là hai tỉnh không có thư mục riêng về công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử của sở tài chính tỉnh.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho biết, Hòa Bình luôn nằm trong nhóm kém nhất về công khai minh bạch ngân sách và gần như không có sự cải thiện nào trong 3 năm trở lại đây. Đây cũng là địa phương nằm trong nhóm không tự chủ được ngân sách, mà phải xin ngân sách trung ương.

Ngoài ra, còn nhiều tỉnh/thành phố công khai các tài liệu ngân sách chậm so với quy định, thiếu bảng biểu. Có 40 tỉnh/thành phố công khai kịp thời báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh (đạt 63,49%); 3 địa phương chậm công khai danh mục dự án đầu tư công năm 2019.

Đáng chú ý, việc lập dự toán ngân sách của không ít địa phương chưa đủ độ tin cậy cho quá trình thực hiện dự toán. Trong đó, dự toán thu ngân sách địa phương và dự toán chi đầu tư phát triển có mức độ tin cậy thấp nhất, với 15,87% và 12,7% số tỉnh/thành phố có chênh lệch giữa quyết toán và dự toán năm 2018 dưới 5%.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đa phần các tỉnh mới thực hiện phần công khai, chứ chưa thực sự minh bạch. Minh bạch ở đây hiểu theo nghĩa là lắng nghe và có giải trình. Qua thực tiễn khảo sát PCI cho thấy, một số địa phương công bố dự thảo, nhưng khi người dân đóng góp ý kiến thì việc tiếp thu không thực chất, mang tính đối phó, hình thức.

Vân Bùi

BẢN DESKTOP