Doanh nghiệp

Các thương hiệu Việt Nam gia tăng giá trị hậu đại dịch

  • Tác giả : Tuyết Vân
Viettel, được định giá 8,8 tỷ USD (tăng 44,5%), trở thành thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm thứ bảy liên tiếp. Viettel được định giá thương hiệu gấp 3 lần VNPT (2,858 tỷ USD) và Vinamilk (2,814 tỷ USD), là hai thương hiệu lần lượt đứng thứ hai và thứ ba trên bảng xếp hạng.
Top 10 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022.

Top 10 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022.

Viễn thông, ngân hàng và thực phẩm đóng đứng đầu bảng xếp hạng

Công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance vừa kết hợp với đơn vị tư vấn thương hiệu Công ty cổ phần Mibrand Việt Nam chính thức công bố bảng danh sách Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022.

Theo đó, Viettel là thương hiệu giá trị nhất Việt Nam trong vòng 7 năm liên tiếp, thương hiệu được định giá 8,8 tỷ USD, tăng 44,5% và trở thành thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm thứ 7 liên tiếp.

Viettel xây dựng hình ảnh bền vững về môi trường, bao gồm hỗ trợ đa dạng sinh học đô thị, thể hiện rõ ràng trong các trụ sở chính của tập đoàn. Viettel Global , một công ty con của viễn thông Viettel và là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, đã báo cáo doanh thu hàng quý cao kỷ lục 237 triệu USD trong quý 1 năm nay, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực châu Phi, Đông Nam Á và Mỹ Latinh vẫn là động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng toàn cầu của Viettel.

Viettel được định giá thương hiệu gấp 3 lần VNPT (2,858 tỷ USD) và Vinamilk (2,814 tỷ USD), là hai thương hiệu lần lượt đứng thứ hai và thứ ba trên bảng xếp hạng.

VNPT xếp hạng hai trên bảng xếp hạng quốc gia năm thứ tư liên tiếp và xếp trong top 3 kể từ năm 2017. Trong vòng năm năm trở lại đây, VNPT đã tăng trưởng cả về giá trị thương hiệu và sức mạnh thương hiệu.

Vinamilk xếp vị trí thứ ba về giá trị thương hiệu với tăng trưởng 18% so với năm 2021. Năm nay, Vinamilk vinh dự nhận danh hiệu "Thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới". Xếp thứ ba trong bốn năm liên tiếp và là thương hiệu thực phẩm giá trị nhất Việt Nam, Vinamilk vẫn tiếp tục nỗ lực không ngừng để chinh phục thị trường quốc tế. Công ty đã chọn phát triển bền vững là một trong bốn trụ cột trong chiến lược phát triển của mình trong 5 năm tới.

Cũng theo kết quả công bố, giá trị top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đạt được là 36,6 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2021. 10 thương hiệu Việt Nam hàng đầu có giá trị 24,4 tỷ USD trong năm nay, chiếm 67% trong tổng số 36,6 tỷ USD của 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam.

Tất cả các thương hiệu trong bảng xếp hạng giá trị nhất Việt Nam 2022, đều tăng giá trị từ năm 2021, ngoại trừ MobiFone (-21%). Có bốn cái tên mới tham gia Bảng xếp hạng TOP 50, đó là: Nam Long, Vinacomin, Chin-Su và Masan Consumer.

Đáng chú ý, bảo hiểm, bất động sản và cơ khí - xây dựng là những ngành tăng trưởng nhanh hơn, trong khi viễn thông, ngân hàng và thực phẩm đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị của bảng xếp hạng.

Bốn thương hiệu viễn thông có tổng giá trị là 13.136 triệu USD và trở thành lĩnh vực đóng góp nhiều giá trị nhất cho bảng xếp hạng. Tiếp theo là ngành ngân hàng với 8.504 triệu USD giá trị thương hiệu với 12 thương hiệu và đứng thứ 3 là ngành thực phẩm với 3.460 triệu USD với 7 thương hiệu.

Ngoài việc tính toán giá trị thương hiệu, Brand Finance cũng xác định sức mạnh thương hiệu thông qua việc đánh giá đầu tư tiếp thị, vốn chủ sở hữu của các bên liên quan và hiệu quả kinh doanh. Tuân theo ISO 20671, đánh giá của Brand Finance dựa trên dữ liệu nghiên cứu thị trường từ hơn 100.000 người trả lời ở hơn 35 quốc gia và trên gần 30 lĩnh vực.

Theo các tiêu chí này, MB là thương hiệu mạnh nhất của Việt Nam, với Chỉ số sức mạnh thương hiệu (BSI) là 87,1 trên 100 (+26 điểm) và xếp hạng sức mạnh thương hiệu AAA tương ứng. Được biết, MB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 23% trong năm nay, có kế hoạch mua lại một công ty cho vay đang gặp khó khăn của Việt Nam trong năm nay.

Kết quả cũng cho thấy, Viettel Telecom dẫn đầu về “giá trị thương hiệu” và “nhận diện thương hiệu” trong khi Vinaphone dẫn đầu về “sự quen thuộc”.

Vinamilk dẫn đầu trong “sự cân nhắc” đối với những người đã quen thuộc với sản phẩm của họ và Vietnam Airlines là thương hiệu có danh tiếng nhất theo kết quả khảo sát.

Về tốc độ tăng trưởng thương hiệu, Bách hóa Xanh là thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất trong bảng xếp hạng (+ 178%), tiếp theo là Novaland (+ 132% lên 255 triệu USD) và Kokomi (+ 121% lên 121 triệu USD).

Top 10 Thương hiệu mạnh nhất Việt Nam 2022.

Top 10 Thương hiệu mạnh nhất Việt Nam 2022.

Hưởng lợi hậu đại dịch

Đánh giá về các kết quả trên, ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc công ty cổ phần Mibrand Việt Nam nhấn mạnh, nhiều thương hiệu đã có những cải tiến vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, nhờ đó nâng cao vị thế vững chắc trong bảng. Các công ty địa phương hiện có thể nhận ra giá trị của thương hiệu và bắt đầu nỗ lực phát triển thương hiệu.

Đại diện Brand Finance trao giấy chứng nhận cho đại diện Viettel tại sự kiện công bố Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022.

Đại diện Brand Finance trao giấy chứng nhận cho đại diện Viettel tại sự kiện công bố Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022.

“Báo cáo top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam của Brand Finance sẽ trở thành thước đo quan trọng nhất cho sự thành công của các thương hiệu trên toàn quốc cho tất cả các lĩnh vực”, ông Mạnh nhận định.

Cũng chia sẻ tại lễ công bố, ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương cho rằng bất chấp đại dịch, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế và hiện có một thị trường đang phát triển nhanh chóng, ngày càng trở nên đa dạng hơn.

Đại dịch mang lại nhiều thách thức cho các thương hiệu Việt Nam nhưng đồng thời cũng mang lại cơ hội và ý thức đổi mới về mục đích thương hiệu. Nhiều thương hiệu Việt Nam đã tham gia hỗ trợ Chính phủ trong thời điểm khủng hoảng, nhờ đó nâng cao được giá trị và thương hiệu của mình.

Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển về giá trị thương hiệu và giúp đất nước chuyển từ định hướng sản phẩm sang định hướng tiếp thị và thương hiệu, theo ông Alex Haigh, các thương hiệu Việt Nam cần cởi mở để thay đổi, phản ứng nhanh, đa dạng hóa và trở nên minh bạch hơn với tất cả các bên liên quan.

Tuyết Vân

BẢN DESKTOP