Y học và đời sống

Các phương thuốc dân gian trị liệu tiểu đường

  • Tác giả : Bs Khánh Hiển
(khoahocdoisong.vn) - Trong kho tàng y học dân gian, kinh nghiệm phòng chống tiểu đường là hết sức phong phú. Chúng ta hoàn toàn có thể dùng các loại thảo dược hoặc thực phẩm có sẵn để thực hiện các bài thuốc dùng độc vị hoặc nhiều vị hết sức phong phú.

Theo y thư cổ, căn bệnh này thuộc phạm vi chứng tiêu khát, gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau và khi trị liệu cần phải tuân thủ quan điểm toàn diện nhằm kết hợp nhiều phương thức dùng thuốc để đạt mục đích khôi phục lại công năng của các tạng phủ. Bởi vậy, việc vận dụng kinh nghiệm dân gian là rất cần thiết.

Dùng độc vị

Nhộng xào: Nhộng tằm 20 con, rửa sạch, xào ăn bằng dầu thực vật.

Nước ô mai: Ô mai 15g, hãm với nước sôi uống thay trà.

Nước đậu đỏ: Đậu đỏ để cả vỏ, sấy khô, mỗi ngày dùng 50g nấu nước uống.

Canh nấm mỡ: Nấm mỡ lượng vừa đủ nấu canh hoặc xào với dầu thực vật ăn hàng ngày.

Nước ép bí đao: Bí đao tươi 100g, rửa sạch, ép lấy nước uống hằng ngày.

Nước ép cà rốt: Cà rốt tươi lượng vừa đủ, rửa sạch, ép lấy nước cốt uống hằng ngày.  

Nước rễ cỏ tranh: Rễ cỏ tranh 50g, rửa sạch sắc uống thường xuyên.

Lê tươi: Ăn lê tươi hoặc uống nước ép lê tươi hằng ngày.

Bí đỏ: Bí đỏ 250g nấu canh ăn trong ngày.

Bột mướp đắng: Mướp đắng sấy hoặc phơi khô, tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 15 - 20g.

Bột hải cáp xác: Hải cáp xác tán bột, uống mỗi ngày 12g.

Nước sắc hoàng liên: Hoàng liên 12g, sắc uống trong ngày.

Nước sắc vừng đen: Vừng đen 100g sắc uống hằng ngày.

Nước măng tre: Uống nước ép vòi hoặc măng tre tươi hằng ngày.

Nước sắc ngưu bàng: Rễ hoặc lá cây ngưu bàng sắc uống thay trà.

Nước ổi: Quả ổi 250g, rửa sạch, thái miếng, dùng máy ép lấy nước, chia uống 2 lần trong ngày hoặc mỗi ngày ăn vài quả ổi (chừng 200g) hoặc lá ổi khô 15 - 30g, sắc uống hằng ngày.

Dùng nhiều vị

Bài 1: Ngũ gia bì 6g, ngũ vị tử 6g, hãm uống thay trà trong ngày.

Bài 2: Hạt tía tô và hạt cải củ lượng bằng nhau, sao thơm tán bột, mỗi ngày uống 9g với nước sắc rễ cây dâu (tang bạch bì).

Bài 3: Hạt dưa hấu 50g giã nát hoà với nước rồi lọc bỏ bã, đem nấu với 30g gạo tẻ thành cháo ăn.

Bài 4: Bột hoài sơn 2 phần, bột ý dĩ 1 phần trộn đều, mỗi ngày dùng 90g hoà với nước sôi ăn.

Bài 5: Củ cải 5 củ, rửa sạch, thái miếng luộc lấy nước nấu với 100g gạo tẻ thành cháo ăn hằng ngày.

Bài 6: Tang bạch bì 120g, kỷ tử 15g, sắc uống.

Bài 7: Hoàng liên 1 phần, nhân sâm 1 phần, trạch tả 2 phần. Tất cả sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g.

Bài 8: Lá hồng 30g, đậu xanh 30g, sắc uống.

Bài 9: Khổ qua 250g, trai 100g. Trai ngâm sạch, luộc lấy nước và thịt đem nấu canh với khổ qua ăn.

Bài 10: Thục địa 12g, hoài sơn sao 6g, thiên hoa phấn 6g, bạch linh 4,5g, sơn thù 4,5g, trạch tả tẩm nước muối sao 3g, nhục quế 1,5g, ngũ vị tử 1,8g, sắc uống.

Bài 11: Hoài sơn 60g sao vàng tán bột, hoàng kỳ 30g sắc kỹ lấy nước hoà với bột hoài sơn ăn trong ngày.

Bài 12: Hoa đậu ván trắng 30g, mộc nhĩ đen 30g, sấy khô, tán thành bột mịn, mỗi ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 3 - 5g.

Bài 13: Vỏ bí xanh 15g, vỏ dưa hấu 15g, thiên hoa phấn 12g, sắc uống.

Bài 14: Cá diếc 500g, trà xanh 10g. Cá làm sạch, bỏ ruột rồi nhồi trà xanh vào trong bụng, hấp cách thuỷ, chia ăn vài lần trong ngày.

Bài 15: Lá khoai lang 100g, thiên hoa phấn 20g, ngọc trúc 15g, sắc uống.

Bài 16: Ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) 15g, ngọc trúc 20g, đường phèn 25g. Sắc mộc nhĩ và ngọc trúc lấy nước hoà đường phèn uống. 

Bài 17: Tuỵ lợn 1 cái, ý dĩ 50g, hoàng kỳ 100g, nấu canh ăn.

Bài 18: Thiên hoa phấn 50g, cát căn 30g, sinh địa 15g, mạch môn 15g, ngũ vị tử 6g, cam thảo 6g, sắc uống.

BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Bs Khánh Hiển

BẢN DESKTOP