Y học và đời sống

Các phương pháp điều trị sỏi mật hiệu quả

Sỏi mật là căn bệnh thường gặp ở đối tượng trung niên, tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh cao hơn đàn ông. Sỏi mật nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.

Sỏi mật nhiều biến chứng

Biến chứng của sỏi mật

Mật gồm thành phần cơ bản như: muối mật, bilirubin, và cholesterol. Sự mất cân bằng các thành phần này chính là nguyên nhân gây ra sỏi mật. Cholesterol được giữ giới hạn bình thường là do nó hòa tan trong muối mật. Khi nồng độ cholesterol trong mật quá khả năng hòa tan của muối mật sẽ dẫn tới hình thành sỏi cholesterol. Sự giảm số lượng muối mật cũng thúc đẩy việc hình thành sỏi cholesterol. Bên cạnh đó, việc giảm co bóp và túi mật rỗng, thường gặp ở thai kỳ, là một yếu tố quan trọng khác để hình thành sỏi cholesterol.

Sỏi sắc tố mật hình thành khi bilirubine tăng, không liên hợp hoặc nhiễm trùng mạn tính ở đường mật. Những bệnh nhân mắc bệnh về máu có thể gây ra phá hủy hồng cầu nhiều làm gia tăng số lượng bilirubine trong mật, do đó gây ra hình thành sỏi sắc tố mật.

Sỏi mật nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm túi mật, viêm đường mật, hoại tử túi mật, viêm phúc mạc, viêm tụy, nhiễm khuẩn huyết, ung thư túi mật,..

Việc điều trị sỏi mật trong Tây y được chia thành 2 loại chính: Phẫu thuật và không phẫu thuật. Theo TS Lê Thị Thanh Nhạn, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, đối với sỏi túi mật: sử dụng thuốc làm tan sỏi, áp dụng với sỏi cholesterol dưới 1,5cm, tốt nhất với sỏi dưới 5 mm, thời gian dùng kéo dài 6 – 24 tháng. Tán sỏi bằng bằng sóng hoặc làm tan sỏi trực tiếp bằng hóa chất. Cũng có thể cắt túi mật qua đường nội soi, là phương pháp được dùng phổ biến hiện nay vì hồi phục sức khỏe nhanh và rút ngắn thời gian nằm viện.

Với sỏi trong gan và ống mật chủ: có thể lấy sỏi qua nội soi ngược dòng cắt cơ oddi, phương pháp này giúp tránh được phẫu thuật. Cũng có thể tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng hoặc phẫu thuật để lấy sỏi.

Còn theo Đông y, sỏi mật được gọi là chứng Thạch đởm, do can uất khí trệ, ăn uống không điều độ hoặc do ngoại cảm thấp nhiệt mà thành bệnh.

Một số loại thảo dược chuyên trị sỏi mật như râu mèo, cối xay, kim tiền thảo, mộc thông thảo, rễ cỏ tranh,… có tác dụng lợi gan, lợi mật, tán sỏi. Tùy theo thể trạng bệnh nhân và kích thước sỏi mà thời gian điều trị dài hay ngắn. Sỏi ít, kích thước nhỏ sẽ mất ít thời gian chữa bệnh hơn, chính vì vậy khi người bệnh có những triệu chứng như đau vùng hạ sườn phải, vàng da,… thì nên đi khám để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.”

Cắt túi mật là giải pháp cuối cùng

Đối với một số trường hợp sỏi mật bị biến chứng nặng hoặc các phương pháp điều trị không có hiệu quả sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Túi mật là một trong những cơ quan mà bạn có thể sống mà không có nó, tuy nhiên cắt túi mật không phải là giải pháp hoàn hảo trong điều trị sỏi mật bởi các biến chứng có thể gặp phải.

Ngoài những biến chứng ngay lập tức sau phẫu thuật như: chảy máu, sốt và nhiễm trùng thì những vấn đề rối loạn về tiêu hóa cũng là một trong những lý do không nên lạm dụng phương pháp này. Sau cắt bỏ túi mật, dịch mật được đưa thẳng xuống ruột non mà không được cô đặc nên người bệnh có thể gặp phải những biến chứng như: đầy trướng, khó tiêu, tiêu chảy tạm thời, tiêu chảy mạn tính, táo bón,…

Hà Linh

BẢN DESKTOP