Đời sống

Các nước xử lý doanh nghiệp gây ngộ độc thực phẩm thế nào?

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trung bình mỗi năm có khoảng 150 triệu người mắc bệnh liên quan đến thực phẩm độc hại.

Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin 73 học sinh mầm non và tiểu học ở Đồng Nai có biểu hiện đau bụng, nôn ói. Những học sinh này có biểu hiện ngộ độc sau khi uống sữa tươi đã nhanh chóng được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hiện vụ 73 học sinh nghi ngộ độc sữa đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Không riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng từng “lao đao” trước những vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Tác hại của những vụ bê bối thực phẩm này đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trung bình mỗi năm có khoảng 150 triệu người mắc bệnh liên quan đến thực phẩm độc hại. Trong số này có khoảng 500.000 trường hợp tử vong, phần lớn là trẻ em. Con số đáng báo động này khiến nhiều người không khỏi giật mình.

Nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm thường có các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, nôn ói. Những trường hợp nghiêm trọng có thể mắc các bệnh như ung thư, suy gan, suy thận, rối loạn hệ thần kinh, động kinh và viêm khớp…

Trước những tác hại to lớn của các vụ ngộ độc thực phẩm gây ra cho người sử dụng, chính quyền các nước đã có những biện pháp xử lý doanh nghiệp, những người có liên quan để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ví dụ như trường hợp sữa nhiễm thạch tín (arsenic) ở Nhật Bản năm 1955.

Khi ấy, công ty sữa Morinaga tại Tokushima bị phát giác đã trộn thạch tín với chất bảo quản disodium phosphate thông thường vào sữa. Sau khi sử dụng sữa của công ty Morinaga, trẻ em có những triệu chứng ban đầu như tiêu chảy, nôn mửa cùng một số biểu hiện khác.

Theo một số liệu thống kê, điều tra, 13.400 nạn nhân bị ảnh hưởng và ít nhất 100 người tử vong sau khi dùng sữa nhiễm thạch tín của Morinaga.

Trước diễn biến, tính chất nghiêm trọng của vụ việc, cơ quan chức năng đứng ra điều tra những người có liên quan đến vụ sữa nhiễm thạch tín. Cuối cùng, người đứng đầu quy trình sản xuất tại Morinaga bị kết án 3 năm tù trong vụ kiện kéo dài 18 năm.

Các nước xử lý doanh nghiệp gây ngộ độc thực phẩm thế nào? ảnh 1

Sữa nhiễm melamine được đem đi tiêu hủy tại thành phố Thâm Quyến tháng 9/2008. Ảnh: Reuters

Đến năm 2008, dư luận thế giới tiếp tục bàng hoàng trước thông tin sữa nhiễm melamine ở Trung Quốc. Vụ việc gây rúng động dư luận khi hay tin 16 trẻ em mắc sỏi thận sau khi uống sữa bột do công ty quốc doanh thuộc tập đoàn Tam Lộc sản xuất.

Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện sữa và sữa bột trẻ em của tập đoàn này nhiễm chất độc melamine. Công ty quốc doanh trên đã dùng melamine trộn trong sữa để làm cho thực phẩm có độ đạm cao hơn.

Điều khiến dư luận bất bình hơn là kết quả điều tra của cơ quan chức năng còn phát hiện tập đoàn Tam Lộ phớt lờ các đơn khiếu nại về chất lượng sữa và thông tin về các em nhỏ nhiễm bệnh vào cuối năm 2007. Phải đến năm 2008, tập đoàn này mới triển khai quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Theo ước tính, khoảng 300.000 người bị ảnh hưởng vì sử dụng sữa nhiễm thạch tín. Trong số này, 54.000 trẻ phải nhập viện và 6 bé tử vong do tổn thương thận.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, một số quan chức chính phủ buộc phải từ chức vì không làm tròn trách nhiệm. Nhiều quan chức, lãnh đạo công ty sản xuất sữa nhiễm độc bị bắt giữ, điều tra và đưa ra xét xử. Sau quá trình xét xử,  2 người bị kết án 15 năm tù, 2 quan chức bị kết án tử hình, 1 người nhận án tử hình treo và 3 người nhận bản án tù chung thân.

Thêm nữa, công ty sản xuất sữa nhiễm melamine cũng phải tiến hành thu hồi, tiêu hủy sản phẩm sữa độc hại kể từ đó cho tới cuối năm 2010.

TheoTâm Anh (Kiến Thức – TH)

BẢN DESKTOP