Vấn đề - Sự kiện

Các nước sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ thế nào?

  • Tác giả : Thanh Bình
Nhìn ra thế giới, Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống trân trọng giới thiệu về tổ chức bộ máy Chính phủ của các nước trên thế giới hiện nay.

LTS: Thực hiện chủ trương và định hướng của Trung ương, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký ban hành Văn bản số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 6/12/2024 về kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, gồm 13 Bộ, 04 cơ quan ngang Bộ (giảm 05 Bộ); 04 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 04 cơ quan thuộc Chính phủ).

Theo Văn bản số 141/KH-BCĐTKNQ18, về tổ chức bên trong, Chính phủ tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối, giảm mạnh các tổng cục, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục. Sau khi sắp xếp thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ thì về cơ bản khắc phục được những vấn đề còn giao thoa hiện nay.

Theo dòng sự kiện, nhìn ra thế giới, Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống trân trọng giới thiệu về tổ chức bộ máy Chính phủ của các nước trên thế giới hiện nay.

Trung Quốc

Quốc vụ viện là cơ quan hành pháp của Trung Quốc, tương đương với Chính phủ ở các quốc gia khác. Thủ tướng là người đứng đầu Quốc vụ viện. Dưới Thủ tướng có các Phó Thủ tướng. Đứng đầu mỗi Bộ là Bộ trưởng.

Hiện tại, Quốc vụ viện Trung Quốc có 27 Bộ và Ủy ban, gồm: Tổng thư ký Quốc vụ viện, Bộ ngoại giao, Bộ quốc phòng, Ủy ban cải cách và phát triển, Bộ giáo dục, Bộ khoa học công nghệ, Bộ công nghiệp và truyền thông, Ủy ban dân tộc nhà nước, Bộ công an, Bộ an ninh quốc gia, Bộ giám sát, Bộ dân chính, Bộ tư pháp, Bộ tài nguyên nhân sự và bảo trợ xã hội, Bộ giao thông vận tải, Bộ tài nguyên tự nhiên, Bộ môi trường sinh thái, Bộ Nhà ở và xây dựng thành thị nông thôn, Bộ văn hóa và du lịch, Bộ thủy lợi, Chủ nhiệm ủy ban y tế và sức khỏe quốc gia, Bộ các vấn đề về cựu chiến binh, Bộ tình trạng khẩn cấp, Bộ nông nghiệp nông thôn, Bộ thương mại, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc, Cơ quan kiểm toán.

Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu bộ ngành của Trung Quốc là: Các Bộ và Ủy ban được tổ chức chặt chẽ, tập trung quyền lực cao độ, tuân theo sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc; một số Bộ lớn như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cả về quản lý hành chính lẫn chính sách quốc gia; có cơ chế điều phối liên Bộ mạnh mẽ để thực hiện các chiến lược quốc gia.

Nhật Bản

Tại Nhật Bản, Nội các là cơ quan hành pháp cao nhất, chịu trách nhiệm điều hành Chính phủ và quản lý quốc gia. Nội các thường gồm Thủ tướng và 18 Bộ trưởng (số lượng có thể thay đổi). Thủ tướng là người đứng đầu Nội các, được Quốc hội bầu từ Hạ viện. Thủ tướng có quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm các Bộ trưởng, chịu trách nhiệm điều phối chính sách quốc gia và đối ngoại.

Danh sách cơ quan ngành trực thuộc Văn phòng Nội các Nhật Bản gồm: Bộ Ngoại giao; Bộ Tư pháp; Bộ Tổng hợp (Bộ Nội vụ); Bộ Tài chính; Bộ Môi trường; Bộ Quốc phòng; Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản; Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi; Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp; Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch; Ủy ban An toàn Công cộng Quốc gia.

Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu bộ ngành của Nhật Bản là: Vai trò cố vấn và hoạch định chính sách của các quan chức cấp Bộ rất quan trọng; có sự phối hợp liên ngành hiệu quả thông qua Văn phòng Nội các.

Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, Tổng thống là người đứng đầu hệ thống Hành pháp, là nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng là người đứng thứ hai trong hệ thống Hành pháp, được Tổng thống bổ nhiệm với sự chấp thuận của Quốc hội, có vai trò hỗ trợ Tổng thống và điều phối hoạt động của các Bộ.

Nội các là cơ quan cao nhất trong việc thảo luận và giải quyết chính sách ở nhánh hành pháp của Hàn Quốc, đảm nhận nhiệm vụ hoạch định và thực thi các chính sách quốc gia. Theo Hiến pháp, Tổng thống là Chủ tịch Nội các và Thủ tướng là Phó chủ tịch Nội các.

Hiện tại Hàn Quốc có 18 Bộ, gồm: Bộ Ngoại giao; Bộ Quốc phòng; Bộ Nội vụ và An toàn; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính và Chiến lược; Bộ Giáo dục; Bộ Khoa học và CNTT; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế và Phúc lợi; Bộ Lao động và Việc làm; Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông; Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn; Bộ Đại dương và Thủy sản; Bộ Môi trường; Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng; Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình; Bộ Doanh nghiệp Nhỏ và Khởi nghiệp; Bộ Thống nhất.

Tại Hàn Quốc, các Bộ đều chịu sự chỉ đạo của Tổng thống; Bộ Thống nhất mang tính đặc thù cao, chuyên trách các vấn đề liên quan đến CHDCND Triều Tiên.

Một cuộc họp Nội các ở Hàn Quốc. Ảnh: Republic of Korea / Flickr.

Một cuộc họp Nội các ở Hàn Quốc. Ảnh: Republic of Korea / Flickr.

Lào

Tại Lào, Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất, chịu trách nhiệm quản lý và điều hành đất nước theo đường lối của Đảng và luật pháp. Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng được Quốc hội bầu và Chủ tịch nước bổ nhiệm, chịu trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo các hoạt động của chính phủ. Các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng hỗ trợ Thủ tướng trong việc quản lý các lĩnh vực cụ thể.

Chính phủ Lào hiện có 18 Bộ, gồm: Bộ Ngoại giao; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công Thương; Bộ Năng lượng và Mỏ; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Giáo dục và Thể thao; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa và Thông tin; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội; Bộ Thông tin, Truyền thông và Du lịch; Văn phòng Chính phủ.

Theo đó, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào có vai trò định hướng quan trọng đối với hoạt động của các Bộ.

Campuchia

Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất của Campuchia, chịu trách nhiệm quản lý và điều hành đất nước. Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, do Quốc vương bổ nhiệm theo đề xuất của Quốc hội, chịu trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo các hoạt động của Chính phủ. Dưới Thủ tướng là các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng.

Hiện tại, Chính phủ Campuchia có 28 Bộ, gồm: Bộ Nội vụ; Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế; Bộ Quốc phòng; Bộ Tư pháp; Bộ Kinh tế và Tài chính; Bộ Thương mại; Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới; Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản; Bộ Tài nguyên Nước và Khí tượng; Bộ Giao thông Công chính; Bộ Môi trường; Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao; Bộ Lao động và Đào tạo Nghề; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa và Nghệ thuật; Bộ Thông tin; Bộ Du lịch; Bộ Bưu chính Viễn thông; Bộ Quy hoạch và Phát triển Đô thị; Bộ Phát triển Nông thôn; Bộ Phụ nữ; Bộ Tôn giáo và Văn hóa; Bộ Công chức; Bộ Kế hoạch; Bộ Năng lượng và Mỏ; Bộ Thanh niên và Tái Thiết Đô thị; Bộ Các vấn đề Xã hội, Cựu chiến binh và Thanh niên Tái thiết; Bộ Nội vụ.

Cơ cấu bộ ngành của Campuchia được đánh giá có mức độ chuyên biệt hóa cao, với số lượng đông đảo của các Bộ; vai trò của Hoàng gia trong chính sách quốc gia thể hiện qua các khía cạnh hoạt động khác nhau của từng Bộ.

15 Bộ thuộc Chính phủ Mỹ

Chính phủ Mỹ có 15 Bộ, gồm: Bộ Ngoại giao; Bộ Tài chính; Bộ Quốc phòng; Bộ Tư pháp; Bộ Nội vụ; Bộ Nông nghiệp; Bộ Thương mại; Bộ Lao động; Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh; Bộ Phát triển Nhà và Đô thị; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Năng lượng; Bộ Giáo dục; Bộ Cựu chiến binh; Bộ An ninh Nội địa.

Đặc thù trong cơ cấu bộ ngành của Mỹ là mỗi Bộ được lãnh đạo bởi một Bộ trưởng, là thành viên của Nội các và cố vấn cho Tổng thống trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Bộ trưởng được Tổng thống bổ nhiệm và Thượng viện phê chuẩn. Các Bộ này hoạt động cùng với hàng trăm cơ quan liên bang để quản lý các lĩnh vực khác nhau của đời sống quốc gia.

17 Bộ thuộc Chính phủ Nga

Chính phủ Nga có 17 Bộ, gồm: Bộ Ngoại giao; Bộ Quốc phòng; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Tình trạng Khẩn cấp; Bộ Tài chính; Bộ Phát triển Kinh tế; Bộ Công nghiệp và Thương mại; Bộ Năng lượng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp; Bộ Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường; Bộ Giáo dục và Khoa học, Bộ Y tế; Bộ Lao động và Bảo trợ Xã hội; Bộ Văn hóa; Bộ Phát triển Kỹ thuật số, Truyền thông và Phương tiện truyền thông đại chúng

Nét nổi bật trong cơ cấu bộ ngành của Nga là: 1 - Trách nhiệm tập trung. Các Bộ chịu trách nhiệm cụ thể trong từng lĩnh vực dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng và Tổng thống Nga. 2. Cấu trúc đồng nhất. Tất cả các Bộ đều làm việc chặt chẽ với các cơ quan trực thuộc để đảm bảo triển khai chính sách hiệu quả. 3. Quyền lực của Tổng thống. Tổng thống Nga có quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm các Bộ trưởng, đảm bảo quyền kiểm soát đối với hệ thống Hành pháp.

Thanh Bình

BẢN DESKTOP