Dữ liệu y khoa

Các nguyên nhân khiến chất lượng tinh trùng kém

  • Tác giả : Phạm Hằng
(khoahocdoisong.vn) - Chất lượng tinh trùng kém sẽ khiến người đàn ông gặp khó khăn trong chuyện con cái. Theo y học cổ truyền, các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của tinh trùng như sau:

1. Thận tinh suy tổn   

Do phú bẩm tiên thiên bất túc, buông thả tình dục làm cạn kiệt tinh khí. Linh Khu nói: “nhập phòng quá độ thì hại thận”. Như vậy, phải tùy từng việc mà dè dặt thì huyết được nuôi dưỡng, tinh sẽ đầy đủ.

Hoặc tổn thương do thất tình, sợ hãi làm hại thận, tinh khí thiếu hụt. Vì thận chủ việc bế tàng (cất giấu), can chủ việc sơ tiết (thông tiết), hai tạng này đều có tướng hỏa, giận làm tổn thương can, mà tướng hỏa động, động thì can làm việc, sơ tiết mà bỏ mất chức năng bế tàng, tuy không giao hợp mà tinh cũng chảy hao ngầm, do vậy mà làm tổn tinh. 

2. Mệnh môn hỏa hư

Nguyên dương bất túc, thiên quý suy ở người già, ốm lâu ngày và tất cả các nguyên nhân gây thận tinh suy tổn ở trên làm mệnh môn hỏa hư. Thận dương mất chức năng khí hóa, không còn tác dụng sưởi ấm, làm tinh khí hư lạnh, dần dần thận khí hư làm mệnh môn hỏa hư không ôn dưỡng tinh khí, công năng sinh tinh kém.

Thận là gốc của tiên thiên, bên trong có mệnh môn hỏa, chủ chứa tinh, nguyên dương bất túc, tinh khí không bền nên có chứng dương nuy, hoạt tinh, tinh lạnh, sức hoạt động của tinh trùng thấp, số lượng cũng ít (do không có dương nên âm không lấy gì mà sinh được).

3. Khí huyết lưỡng hư (tỳ hư tinh tổn)

Do suy nghĩ quá độ; lao động quá sức dẫn đến mệt mỏi làm tổn thương tâm tỳ; ăn uống thiếu thốn; hoặc do bệnh lâu cơ thể suy nhược mệt mỏi quá làm tổn thương tỳ; hoặc do thận dương không đủ không ôn ấm được tỳ dương làm không vận hoá được thuỷ cốc, hậu thiên mất điều hoà, tinh chất thức ăn không thể hoá sinh khí huyết làm thận tinh suy yếu.

Hải thượng Lãn Ông cho rằng: lo nghĩ tổn thương tỳ hại đến huyết, tình dục tổn thương thận hại đến tinh, huyết sinh ra tinh, lo nghĩ quá thì gốc tinh bị tổn thương hại càng nặng .

Vì tâm chủ thần, tâm lo nghĩ thì thần chạy ra ngoài, làm quân hỏa bị uất mà không xuống được. Thận chủ trí, thận có nhọc thì trí loạn ở trong làm cho thận thủy thiếu mà không thăng lên được, trên dưới không giao hòa nhau nên không thể sinh con.

Ăn uống không điều độ, đói no thất thường làm tổn hại khí của tỳ vị, làm không sinh hóa được chất tinh vi, không sinh trưởng được khí huyết, cội nguồn khí huyết bất túc.

Do tinh hậu thiên có nhiệm vụ nuôi dưỡng tinh tiên thiên và tinh của ngũ tạng,  khí huyết hư làm tinh ngũ tạng hư yếu không tàng nạp về thận,  thận tinh hư yếu, nên sinh tinh giảm, làm số lượng tinh trùng giảm, sức hoạt động tinh trùng kém.

4. Can khí uất kết, can khí hoành nghịch, khí trệ huyết ứ

Do tình chí không thư sướng, uất giận làm mất đi sự sơ tiết dẫn đến khí cơ uất trệ, mộc không điều đạt mà gây bệnh.

Khi can tạng sơ tiết thái quá, khí cơ hoành nghịch, xâm lấn tỳ thổ (can mạnh, tỳ yếu) và quấy rối thận mà gây nên.

Do khí cơ của tạng can bị uất mà không được thoải mái và phát tiết, vì thế kết tụ và ứ trệ ở trong cơ thể làm khí trệ, huyết ứ.

Theo Hải Thượng Lãn Ông: vì thận chủ việc bế tàng (cất giấu), can chủ việc sơ tiết (thông tiết), hai tạng này đều có tướng hỏa, giận làm tổn thương can, mà tướng hỏa động, động thì can làm việc, sơ tiết mà bỏ mất chức năng bế tàng, tuy không giao hợp mà tinh cũng chảy hao ngầm. Do vậy mà làm tổn tinh.

5. Thấp nhiệt hạ tiêu

Do ăn uống không điều độ, uống rượu nhiều, nhiễm phải tà khí thấp nhiệt uế trọc.

Hạ tiêu thấp nhiệt: do hạ tiêu nhiễm phải tà khí thấp nhiệt uế trọc, thấp nhiệt nung nấu, câu kết ở bàng quang hoặc thận chuyển nhiệt xuống bàng quang.

Can kinh thấp nhiệt, can đởm thấp nhiệt: vì can chủ sơ tiết, thấp nhiệt xâm phạm can kinh, làm ngưng trệ khí cơ, sự sơ tiết thất thường, thấp nhiệt theo đường kinh dồn xuống hạ tiêu và bộ phận sinh dục gây tức nặng vùng sinh dục, cao hoàn sưng và trướng đau, dương vật tự chảy mủ đầm đìa, tiểu đục, tiểu rít.

Thấp là âm tà hay gây tổn thương dương khí, thấp làm tổn thương dương khí của tỳ vị nên ảnh hưởng đến việc vận hóa thủy cốc gây đầy bụng, nhạt miệng, biếng ăn. Vì vậy làm tổn thương tinh hậu thiên.

6. Do chế độ ăn uống, sinh hoạt

Hải Thượng cho rằng uống rượu nhiều sẽ làm tổn tinh: huyết trong mình, chỗ nào về chỗ nấy thì tinh mới ngưng đọng được, rượu làm động huyết (uống rượu thì mặt đỏ, chân tay đỏ…đó là làm quấy rối huyết). Người mà khí huyết đã suy, thận tinh không đầy đủ, khi uống rượu lại làm tinh không ngưng đọng được vì vậy sẽ làm tổn tinh;

Sách Nội kinh nói “tinh không đủ thì bổ bằng vị ăn”, nhưng vị nồng gắt không thể sinh tinh được, chỉ có vị điềm đạm mới có thể bổ tinh. Thiên Hồng Phạm bàn về vị ăn có nói “cầy cấy thành vị ngọt, các sản vật trên thế gian chỉ có ngũ cốc là vị chính yếu, nếu có thể ăn nhuần ngũ cốc thì rất hay sinh tinh, như nấu cháo và cơm chất nước đặc tụ thành một đám, đó là tinh của gạo tụ lại, ăn vào sẽ giúp sinh tinh, cho nên cần phải chú ý đến vị thức ăn.

PGS.TS Đoàn Minh Thụy, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam

Phạm Hằng

BẢN DESKTOP