Dữ liệu y khoa

Các dấu hiệu nặng của hen phế quản

  • Tác giả : PGS.TS Hà Hoàng Kiệm
(khoahocdoisong.vn) - Hen phế quản là một hội chứng bệnh lý biểu hiện lâm sàng là cơn khó thở ra chậm, rít mức độ thay đổi, có thể tự hồi phục hoặc hồi phục sau khi dùng các thuốc giãn nở phế quản.

Các yếu tố làm xuất hiện cơn hen 

Bệnh sinh của hen phế quản là do tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt toàn bộ khí phế quản với sự tham gia của các tế bào viêm, chủ yếu là mastocytes. Hen phế quản có 3 đặc điểm:

- Các đường thở phản ứng cao với các loại kích thích khác nhau.

- Tắc nghẽn các đường thở hồi phục tự phát được hoặc dưới tác dụng của thuốc.

- Viêm các đường thở.

Các dị nguyên, bụi nhà, phấn hoa, lông gia cầm, gia súc, nấm mốc, hơi khói hoặc hóa chất, thời tiết lạnh, một số thức ăn như tôm, cua, cá... Môi trường sống có sương mù, không khí lạnh, thay đổi thời tiết đột ngột dễ gây cơn hen. Các yếu tố di truyền như bố hoặc mẹ hoặc cả hai có cơ địa dị ứng di truyền cho con. Nhiễm virus, nhiễm khuẩn đường hô hấp cũng làm bùng phát cơn hen. Ngoài ra, còn có các yếu tố như xúc cảm, căng thẳng, stress; Các yếu tố nội tiết, thời kỳ kinh nguyệt, chửa đẻ, tiền mãn kinh; Trào ngược dạ dày, thực quản gây hít vào phổi các chất dịch tiêu hoá; Vận động gắng sức, làm thở sâu có thể kích thích gây co thắt phế quản phản xạ. Người ta phân hen phế quản thành mấy loại:

+ Hen ngoại sinh: Hen dị ứng.

+ Hen nội sinh: Hen nhiễm khuẩn, hen vô căn.

+ Hen hỗn hợp: Vừa do dị ứng, vừa do vi khuẩn.

+ Hen vận động: Cơn xuất hiện khi vận động gắng sức.

+ Hen nghề nghiệp: Hen do tiếp xúc nhiều lần với một tác nhân có trong môi trường nghề nghiệp thường là các hoá chất, các phân tử lớn. Có lẽ do cơ chế miễn dịch đóng vai trò chính.

Chẩn đoán hen phế quản

Cơn hen phế quản thường xuất hiện đột ngột khi thời tiết thay đổi, người bệnh thở chậm, thở rít, cơn khó thở có thể tự hết, hoặc giảm và hết nhanh sau dùng thuốc kích thích. Cuối cơn, bệnh nhân ho khạc ra đờm trắng quánh, dính. Bệnh nhân có thể ho khan mạn tính nhiều hơn là khó thở. Dùng thuốc giãn nở phế quản có thể làm hết ho.

Cơn hen kịch phát thường xảy ra vào ban đêm, khi thay đổi thời tiết, hay tái diễn trong những hoàn cảnh tương tự nhau. Nghe phổi bao giờ cũng có ran rít, ran ngáy lan toả 2 phổi. Thường gặp ở người trẻ, do nguyên nhân dị ứng. Giữa các cơn hen, phổi trở lại bình thường. Người bệnh nặng có cơn hen khó thở liên tục, khó thở thường xuyên, kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày, có thể kéo dài hàng tuần. Lồng ngực căng giãn, gõ vang. Co rút cơ liên sườn khi thở, nghe phổi nhiều ran rít, ran ngáy, khạc đờm nhiều. Cơn hen ác tính là biến chứng của hen phế quản, nhất là thể khó thở liên tục. Cơn hen nặng kéo dài trên 24 giờ, khó thở nặng, tím tái, có thể gây suy tim, điều trị  bằng thuốc hen thông thường không đỡ. Trường hợp hen tối cấp tính là thể hen gây ngạt thở đột ngột, có thể tử vong trong vòng một vài giờ.

Hen ác tính và tối cấp tính là do các phế quản tận cùng bị tắc nghẽn bởi các cục đờm nhầy. Nghe phổi có thể thấy rì rào phế nang và các ran phế  quản biến mất, gọi là phổi câm. Các yếu tố đe doạ tử vong là rối loạn ý thức, vật vã, lú lẫn, hôn mê,  thở nông, yếu, ngừng hô hấp,  trụy tim mạch, mạch chậm. Nghe phổi câm, hô hấp đảo nghịch cử động lồng ngực - bụng, tím tái, vã mồi hôi, giãy giụa... là các dấu hiệu cực kỳ nặng, bắt buộc phải cho thở máy với áp lực dương.

Chẩn đoán xác định bệnh dựa vào tiền sử hen, tính chất cơn khó thở, nghe phổi nhiều ran rít, ran ngáy lan toả, đờm cuối cơn  trắng, quánh dính. Có rối loạn thông khí tắc nghẽn dựa vào đo cung lượng đỉnh (PEFR) hoặc FEV1, chỉ số Tiffneau có đặc điểm là hồi phục được. Nếu X-quang phổi thấy căng giãn phổi, dày thành phế quản, mạng mạch máu thưa thớt ở ngoại vi, tăng sáng vùng dưới màng phổi.

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm (Bệnh viện Quân y 103)

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm

BẢN DESKTOP