Suy thận mạn là tình trạng thận mất khả năng hoạt động kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Suy thận mạn làm tổn thương hệ tim mạch, cơ xương khớp, thần kinh, mất ngủ, trầm cảm, suy dinh dưỡng… Việc điều trị suy thận mạn không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là khi phải điều trị thay thế thận suốt đời.
Chính vì vậy, phòng ngừa suy thận mạn, phát hiện sớm và điều trị ngay từ đầu là phương pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Những yếu tố nguy cơ dẫn đến suy thận mạn: Đái tháo đường; Tăng huyết áp; Bệnh lý tim mạch...
Để phòng ngừa suy thận mạn, chúng ta phải kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây phát sinh bệnh. Sau đây là 9 phương pháp có thể giúp phòng ngừa suy thận mạn.
Các biện pháp phòng ngừa suy thận mạn - Ảnh minh hoạ |
Lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe
Lựa chọn thực phẩm có lợi cho tim và cơ thể như trái cây, rau củ tươi hoặc đông lạnh, ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm từ sữa ít hoặc không chất béo. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị nên ăn cá hai lần mỗi tuần, đặc biệt là loại cá béo giàu omega – 3, giảm lượng muối trong các bữa ăn, tránh các thực phẩm chứa nhiều đường. Lượng rau xanh và trái cây chiếm một nửa khẩu phần ăn.
Tập thể dục thường xuyên
Vận động thể lực từ 30 phút trở lên mỗi ngày giúp nâng cao sức khỏe, tăng cường tuần hoàn máu để các bộ phận trong cơ thể đều khỏe mạnh hơn, bao gồm cả thận. Nếu chưa biết làm thế nào để tập luyện đúng cách, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia về những bài tập phù hợp với thể trạng của bản thân.
Giảm cân
Không ít nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa thừa cân – béo phì và nguy cơ phát triển suy thận. Thừa cân – béo phì là yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp và đái tháo đường, hai nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến suy thận. Vì vậy, nếu chúng ta thừa cân hoặc béo phì nên có một kế hoạch kiểm soát cân nặng để góp phần phòng ngừa suy thận phát sinh.
Ngủ đủ giấc
Cần ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm. Nếu gặp vấn đề về giấc ngủ, hãy trao đổi với bác sĩ để cải thiện thói quen giấc ngủ của mình.
Ngưng hút thuốc lá
Đa số mọi người biết rằng hút thuốc lá có nhiều tác hại lên hệ hô hấp và hệ tim mạch. Tương tự, thận cũng chịu ảnh hưởng xấu do thói quen hút thuốc lá. Hút thuốc lá gây hại cho thận do:
- Tương tác với các thuốc điều trị tăng huyết áp
- Cản trở lưu lượng máu tới thận
Hạn chế rượu bia
Uống quá nhiều thức uống có cồn gây tổn hại đến gan, tim và thận. Uống rượu bia sẽ làm tăng huyết áp và tăng lượng calo nạp vào cơ thể, dẫn đến tăng cân. Liên tục uống nhiều rượu bia trong thời gian ngắn dễ gây các bệnh lý tim mạch, cũng là yếu tố nguy cơ gây giảm chức năng thận.
Uống đủ nước
Toàn bộ các tế bào trong cơ thể đều cần nước để hoạt động, bao gồm cả tế bào thận. Nước là yếu tố thiết yếu tăng cường khả năng hoạt động hiệu quả của thận. Uống đủ nước giúp chúng ta đi tiểu thường xuyên, loại bỏ vi khuẩn có hại ra khỏi đường tiết niệu.
Tuy nhiên, việc uống quá nhiều nước cũng có nguy cơ gây tổn thương thận, vì vậy, cần cân nhắc lượng nước tiêu thụ mỗi ngày tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, mức độ hoạt động thể chất trong ngày, mang thai hay cho con bú.
Tránh căng thẳng
Căng thẳng có thể gây huyết áp cao dẫn đến tổn thương các tế bào ở thận. Một số hoạt động và biện pháp giúp phòng tránh căng thẳng, cải thiện các vấn đề sức khỏe tinh thần và thể chất như thiền, yoga, thái cực quyền và các hoạt động thể chất khác.
Kiểm soát các bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch
Nếu mắc đái tháo đường, tăng huyết áp hay các bệnh lý tim mạch, cách tốt nhất để bảo vệ thận không bị tổn hại là:
Giữ huyết áp mục tiêu: Khi áp lực máu tăng cao kéo dài sẽ dẫn đến tổn thương mạch máu toàn cơ thể, trong đó có mạch máu thận. Khi tình trạng này xảy ra, chức năng lọc thải độc tố và nước thừa của thận bị suy giảm, ngược lại, tác động khiến huyết áp tăng lên thêm.
Dùng thuốc đúng: Uống thuốc theo đúng hướng dẫn. Hãy thận trọng với các thuốc giảm đau không kê đơn, ví dụ như thuốc kháng viêm không steroid (ibuprofen, meloxicam…) có thể gây hại cho thận.
Hãy xây dựng lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh, kiểm soát huyết áp và đường huyết ở mức mục tiêu nhằm bảo vệ chức năng thận.
Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp chúng ta biết cách phòng ngừa bệnh suy thận mạn.
Tuy nhiên, người bệnh cần được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán để biết được tình trạng hiện tại của cơ thể để đưa ra các biện pháp phòng bệnh thận khoa học nhất.
ThS.BS Trần Mai Hồng Ngọc, (khoa Nội tiết thận, Bệnh viện Nhân dân Gia Định)